Tội phạm mở tín dụng chứng từ “ma” để tẩy rửa tiền bẩn
Ảnh minh họa |
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho biết, tín dụng chứng từ (LC) là một trong những công cụ được bọn tội phạm rửa tiền ưa thích sử dụng nhất, vì các giao dịch “ma” thanh toán bằng phương thức này ít bị nghi ngờ và có thể qua mặt ngân hàng và cơ quan pháp luật.
Theo đó, một trong những yếu tố hấp dẫn của LC là “các ngân hàng giao dịch trên cơ sở các chứng từ chứ không phải bằng hàng hóa, dịch vụ hoặc các thực hiện khác có liên quan đến chứng từ”, tức là ngân hàng phát hành LC sẽ thanh toán khi nhận được các chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản của LC chứ không phải chờ khi hàng đến rồi mới thanh toán.
Đối với những LC thanh toán bằng vốn tín dụng, ngân hàng có thể tham gia can thiệp vào một số điều kiện, điều khoản của LC nhằm tránh rủi ro cho khách hàng và gián tiếp là tránh rủi ro cho ngân hàng tài trợ.
Ngoài ra, sau khi cho vay thanh toán LC, ngân hàng còn theo dõi, kiểm tra hàng hóa. Tuy nhiên, đối với LC thanh toán bằng vốn tự có và ký qũy đủ 100% thì các ngân hàng thường chỉ tư vấn chứ không can thiệp vào nội dung LC và cũng không phải kiểm tra, theo dõi hàng hoá đã được nhận hay chưa.
Thêm vào đó ngân hàng không yêu cầu nhà nhập khẩu bổ sung tờ khai hải quan sau khi hoàn tất thủ tục nhận hàng. Điều này tạo điều kiện tội phạm mở LC “ma” với yêu cầu về chứng từ đơn giản để người thụ hưởng là đồng bọn của chúng có thể dễ dàng xuất trình chứng từ yêu cầu thanh toán.
Theo quy định tại điều 15 của Bản Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ mới (UCP 600) do Uỷ ban Ngân hàng của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã thông qua từ năm 2006: “khi ngân hàng phát hành xác định việc xuất trình là phù hợp, thì nó phải thanh toán”, nghĩa là khi đó ngân hàng phát hành thực hiện ghi nợ tài khoản thanh toán của nhà nhập khẩu. Đến thời điểm này ngân hàng đóng hồ sơ LC mà không có tờ khai hải quan, nhà nhập khẩu nhận bộ chứng từ nhưng không đi nhận hàng vì thực tế đó chỉ là giao dịch “ma”, tiền được chuyển ra nước ngoài không gặp trở ngại nào.
Phương thức nhờ thu chứng từ cũng được bọn tội phạm lợi dụng để rửa tiền. Thủ thuật có thể được thực hiện như sau: nhà xuất khẩu là đồng bọn của nhà nhập khẩu thông qua ngân hàng chuyển giao chứng từ và chỉ thị nhờ thu. Theo đó, bộ chứng từ được gửi đến ngân hàng xuất trình để nhờ thu, ngân hàng này xuất trình bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu và yêu cầu thanh toán. Biết rằng bộ chứng từ là giả mạo nhưng nhà nhập khẩu vẫn đồng ý thanh toán cho nhà xuất khẩu, và tất nhiên nhà nhập khẩu cũng sẽ không đi nhận hàng.
Những giao dịch không có thật này, thường được bọn tội phạm thanh toán bằng vốn tự có để tránh việc ngân hàng kiểm tra hàng hóa như trong trường hợp giao dịch nhập khẩu được ngân hàng tài trợ bằng vốn tín dụng.
Ứng trước một phần tiền hàng là một trong những điều kiện mua bán bình thường trong hợp đồng thương mại quốc tế. Để nhà xuất khẩu có thể ứng trước một phần tiền hàng từ nhà nhập khẩu, thì giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu phải có hợp đồng mua bán hàng hóa với điều khoản thanh toán trước cho nhà xuất khẩu một số tiền nhất định, để làm cơ sở cho việc ngân hàng chuyển tiền thanh toán.
Như vậy tại thời điểm thanh toán ngân hàng chưa có đầy đủ chứng từ thanh toán. Nếu đây là những giao dịch thật thì không có vấn đề gì phải bàn, nhưng nếu đó là thủ thuật của bọn tội phạm lợi dụng để rửa tiền thì rất nguy hiểm. Ngân hàng có thể bị cáo buộc là đã tiếp tay cho bọn tội phạm rửa tiền.
Với những ngân hàng cẩn thận hơn họ thường yêu cầu khách hàng bổ sung tờ khai hải quan và các chứng từ khác khi hoàn tất việc nhận hàng. Nhưng giao dịch “ma” nhằm mục đích rửa tiền thì không có hàng để nhận. Do vậy nhà nhập khẩu sẽ không thể bổ sung các chứng từ theo yêu cầu của ngân hàng. Ngân hàng chỉ còn biết rút kinh nghiệm lần sau sẽ không chấp nhận chuyển tiền cho nhà nhập khẩu này nữa.
Lợi dụng bảo lãnh thực hiện hợp đồng: Nhà xuất khẩu A (trong nước) ký hợp đồng xuất khẩu “ma” với nhà nhập khẩu B (nước ngoài), trong đó quy định nhà xuất khẩu A phải cung cấp cho nhà nhập khẩu B một bảo lãnh ngân hàng trị giá 10% giá trị hợp đồng để đảm bảo cho việc giao hàng. Nhà xuất khẩu A ký qũy 100% để ngân hàng phát hành bảo lãnh. Khi đến hạn giao hàng nhà xuất khẩu A cố tình không giao hàng và để cho ngân hàng phải thanh toán cho nhà nhập khẩu B tiền phạt không thực hiện hợp đồng.
Như vậy, tiền được chuyển ra nước ngoài, với bề ngoài có vẻ hợp pháp. Trong trường hợp ngân hàng quan tâm đến tổn thất của khách hàng thì được nhà xuất khẩu A trả lời rằng: “mặc dù phải thanh toán tiền phạt không thực hiện hợp đồng nhưng trong thương vụ này công ty vẫn có lãi vì đã ký hợp đồng với nhà nhập khẩu khác với giá cao hơn nhiều”. Lý giải này có vẻ xóa tan nghi ngờ của ngân hàng.
Lợi dụng bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước: nhà nhập khẩu B (trong nước) ký hợp đồng nhập khẩu “ma” với nhà xuất khẩu A (nước ngoài), trong đó quy định nhà nhập khẩu B phải trả trước 20% trị giá hợp đồng khi nhận được bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước do ngân hàng của nhà xuất khẩu A phát hành. Khi nhận được bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước, nhà nhập khẩu B xuất trình thư bảo lãnh và đề nghị ngân hàng của mình thực hiện chuyển tiền cho nhà xuất khẩu A bằng vốn tự có của mình. Tất nhiên nhà nhập khẩu B chẳng bao giờ yêu cầu ngân hàng phát hành bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước mặc dù nhà xuất khẩu A không thực hiện các cam kết theo hợp đồng.
Bên cạnh rửa tiền thông qua các giao dịch “ma”, bọn tội phạm còn thực hiện rửa tiền thông qua những giao dịch có thật, nhưng thủ thuật tinh vi hơn, đó là hạ giá hoặc nâng giá hàng hóa. Khoản chênh lệch giữa giá thực tế và giá nhập khẩu chính là khoản tiền phi pháp mà bọn tội phạm muốn tẩy rửa.