Tôi đang còng lưng trả nợ cho ngôi nhà đứng tên cha mẹ chồng
Sau ngày cưới, vợ chồng tôi về quê làm lễ lại mặt, thím Ba kéo tay tôi to nhỏ: “Số con vậy mà sướng, chẳng bù cho cái Hòa nhà dì, cưới mấy năm rồi vẫn phải đi ở trọ”.
Tôi hiểu ý thím, nhiều người bà con của tôi cũng suy nghĩ tương tự. Hồi trước, khi đi đưa dâu về, nhìn nhà cửa bề thế của nhà chồng tôi, bên ngoại ai cũng tấm tắc khen ba mẹ tôi tốt số, gả được con gái vào chỗ giàu sang. Tôi cũng từng nghĩ mình may mắn.
Nhưng chỉ một tuần sau đám cưới, chồng đã gom góp tiền lẫn vàng cưới để đi trả nợ. Anh giải thích, để xây được ngôi nhà này, ba mẹ phải vay mượn khá nhiều, giờ hai vợ chồng có nghĩa vụ trả vì trước sau gì cũng là nhà của chúng tôi.
Mâu thuẫn bắt đầu từ việc chồng mượn sổ đỏ để vay tiền nhưng ba chồng không đồng ý (Ảnh minh họa) |
Tôi ngây thơ tin lời anh, trong khi sổ đỏ vẫn đứng tên ba mẹ chồng. Gần năm năm qua, vợ chồng tôi mới trả được hai phần ba tiền nợ làm nhà. Toàn bộ thu nhập của chồng đủ để trả tiền nợ hàng tháng còn tất cả mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều do tôi xoay xở. Ba mẹ chồng góp mỗi tháng 2 triệu đồng tiền ăn, còn mọi thứ đều do chúng tôi lo kể cả giỗ chạp, cưới hỏi, ma chay.
Khi nghe nhiều chuyện không hay quanh tình huống cha mẹ cho nhà đất mà không sang tên sổ đỏ, tôi cũng thắc mắc. Chồng tôi một mực khẳng định, ở gia đình anh không bao giờ có chuyện đó. Anh trai chồng đã có nhà riêng, thì đất đai này sẽ là của chúng tôi. Tôi nghe vậy thì không băn khoăn nữa, tiếp tục vun vén chắt bóp để cố gắng trả hết nợ xây nhà.
Cách đây mấy tháng, chồng tôi cần vốn gấp để làm ăn nên hỏi ba chồng mượn sổ đỏ ngôi nhà để ra ngân hàng cầm cố vay tiền, song ông không đồng ý.
Ông bảo: “Cái nhà này cho ai thì chưa biết, muốn làm ăn thì tự đi mà vay”. Chồng tôi bị sốc trước lời nói của ba, hỏi ngược lại: “Thế bao năm nay vợ chồng con đổ tiền vào trả nợ làm nhà thì ba tính sao”, ông lại im lặng.
Từ ngày xảy ra chuyện, không khí gia đình rất căng thẳng. Chồng vò đầu bứt tóc, thất vọng trước cách cư xử của ba, còn tôi thấy hụt hẫng và có chút hoang mang trong lòng. Lúc này, chồng mới kể chuyện, trước đó vợ chồng anh trai mới cưới, ba mẹ cũng bảo ở chung, góp tiền xây nhà nhưng chị dâu không đồng ý nên ra ở riêng. Sau đó, ba mẹ mới vay tiền xây nhà rồi giao cho chồng tôi trả với lý do sau này sẽ ở chung với vợ chồng tôi.
Khi tôi đem chuyện tâm sự với mấy bạn thân, mọi người đều lắc đầu bảo tôi khờ dại khi đem hết vốn liếng tiền bạc đổ vào cái nhà đứng tên người khác. Xét cho cùng, dù tôi có trả hết nợ xây nhà, thì về mặt pháp lý, tôi cũng chẳng có quyền gì cả. Nếu gia đình bình yên không sao, còn xảy ra chuyện rủi ro, coi như trắng tay, bao nhiêu công sức đổ sông đổ bể.
Tôi buồn vì nỗ lực vun vén trả nợ bao nhiêu năm không được ghi nhận, còn được cho là có âm mưu tranh giành đất đai (Ảnh minh họa) |
Nghe những lời phân tích, tôi mất hết động lực để cố gắng. Vì chỉ mới mượn sổ đỏ để vay vốn làm ăn, ba chồng còn không đưa, thì nói gì chuyện sang tên nhà đất cho chúng tôi.
Tôi bàn với chồng, chúng tôi sẽ giao lại phần trả nợ cho ba mẹ còn tự tích lũy để tìm đường ra riêng, nhưng chồng tôi không đồng ý. Anh lo lắng với số tiền lương hưu hiện tại của ba mẹ chồng, thì ông bà không thể gánh tiền nợ hàng tháng.
Do bất đồng quan điểm, vợ chồng tôi to tiếng nhiều ngày nên mẹ chồng biết chuyện. Bà bảo tất cả rắc rối đều do tôi xúi chồng mượn sổ đỏ vay tiền, không đạt được mục đích nên quay sang chia rẽ tình cảm cha con.
Tôi uất ức khi bị đổ tiếng oan như thế, bao nhiêu năm dành dụm chắt chiu trả nợ mà không hề được ghi nhận. Buồn nhất là việc chồng tôi chỉ im lặng. Tôi không biết phải làm thế nào, tiếp tục ở chung và trả nợ tiền nhà, hay kiên quyết đòi ra riêng. Chọn con đường nào cũng khó, vì ra riêng thì không có tiền, còn ở lại trả nợ thì thấy tương lai trước mắt rất mờ mịt, xin cho tôi lời khuyên...
Theo Nguyên Xuân/ phunuonline