Tốc độ lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ra sao?
Sau 12 ngày mắc bệnh, trường hợp đầu tiên mắc đậu mùa khỉ tại Việt Nam đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh sức khoẻ ổn định,.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước ta có triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Đây là ca nhiễm bệnh ở nước ngoài (xâm nhập –PV).
Qua ca bệnh này, GS Phan Trọng Lân nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là phát hiện ca bệnh sớm, khoanh vùng xử lý, không để dịch lây lan.
“Hiện Bộ Y tế đã ban hành phác đồ hướng dẫn chẩn đoán điều trị, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế. Ca nghi ngờ cần làm xét nghiệm Realtime-PCR, sâu hơn thì làm giải trình tự gen”, GS Lân cho biết.
Virus đậu mùa khỉ có 2 chủng lưu hành chính là ở Trung Phi và Tây Phi. Trong đó, chủng virus lưu hành ở Tây Phi có biểu hiện bệnh nhẹ hơn. Hầu hết các trường hợp ghi nhận bên ngoài châu Phi ở châu Âu, châu Mỹ và các nước khác là mắc chủng Tây Phi. Điều này cũng tương tự với ca bệnh tại Việt Nam.
Dù vậy, theo ông cần có đánh giá dịch tễ sâu hơn nữa, các trường hợp mắc hiện chưa phải là đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao diễn biến nặng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch. Hiện nay tỷ lệ chết/mắc của chủng lưu hành ở Tây Phi thấp hơn chủng virus lưu hành ở Trung Phi.
Bên cạnh đó, ca bệnh đậu mùa khỉ tại nước ta được phát hiện từ rất sớm, người bệnh chủ động đến khám ngay từ khi về Việt Nam. Vì thế, ngay từ đầu, các trường hợp có tiếp xúc gồm người trong gia đình, cán bộ y tế đã được theo dõi giám sát. Đến nay đã 11 ngày, những trường hợp này đều không có biểu hiện mắc bệnh.
Thông tin thêm, ThS BS. Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, về mức độ bệnh, bệnh đậu mùa khỉ chia thành 3 thể là không triệu chứng, nhẹ và nặng.
Ở thể nhẹ, các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào. Người bệnh có thể điều trị các triệu chứng như: Hạ sốt, giảm đau; Chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng; Bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải.
Ths. BS Hiền Minh cũng lưu ý, người bệnh cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có: viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức.
Ở thể nặng, ThS BS. Nguyễn Hiền Minh cho biết, bệnh thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (như phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…). Bệnh nặng có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Người bệnh cần được điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã ban hành.
Theo BS. Hiền Minh, hệ số lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ R0 khoảng từ 1.1 đến 2.4, thấp hơn bệnh đậu mùa ở người (smallpox) - bệnh đã thanh toán trên toàn thế giới từ 1979. Các con đường lây nhiễm như lây nhiễm từ động vật sang người: bị động vật có vú nhiễm bệnh cắn, cào.
Lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc quan hệ tình dục với người bị bệnh; chạm vào phát ban, vảy ban của bệnh nhân; chạm vào các đồ vật bị ô nhiễm như khăn trải giường, quần áo hoặc thiết bị y tế người bệnh đã sử dụng.
Ngoài ra có thể truyền qua nhau thai từ mẹ sang con (đang tiếp tục nghiên cứu).Biểu hiện phát ban giống người được ghi nhận ở khỉ và vượn lớn.
“Hiện chưa có báo cáo về việc lây nhiễm ở động vật nuôi trong nhà. Đồng thời chưa có báo cáo về lây người - động vật (tuy nhiên vẫn có giả thuyết lây).
Cần quản lý chất thải (băng gạc, dịch) vì có khả năng bị nhiễm để ngăn truyền bệnh từ người sang động vật nhạy cảm ở nhà (bao gồm thú cưng) hoặc động vật xung quanh nhà, đặc biệt là gặm nhấm”, BS. Hiền Minh nhấn mạnh.
Đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã ghi nhận bên ngoài vùng lưu hành trên 106 nước. Với tần suất ca mắc trên địa bàn rộng, giao lưu đi lại không hạn chế, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu.
GS Phan Trọng Lân nhấn mạnh rằng, dù có ca bệnh xâm nhập hay không thì chúng ta cũng có sự chuẩn bị sẵn sàng từ rất sớm.
“Nếu các cơ sở khám bệnh phát hiện ca nghi ngờ thì cần báo cáo. Người dân khi có biểu hiện nghi ngờ đến ngay các cơ sở y tế, khai báo đầy đủ để bảo vệ cho bản thân và lớn hơn là tránh lây nhiễm chéo cho người khác. Với các bước làm chậm quá trình lây nhiễm, chúng ta hy vọng ngăn chặn được sự xâm nhập nếu có”, GS Lân nói.
Ông khuyến cáo mỗi người dân khi có yếu tố dịch tễ, lâm sàng như từng tiếp xúc với người đã dương tính với đậu mùa khỉ hoặc người có nghi ngờ thì cần tránh tiếp xúc với người khác.
Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp gần, chủ yếu là những hoạt động liên quan tiếp xúc gần như da với da, miệng với da, mặt với mặt một cách đối diện trong nói, giao tiếp. Thực tế là các hoạt động tình dục với những người có nguy cơ cao là hình thức tiếp xúc nhiều hơn nên có nguy cơ mắc cao hơn.
N. Huyền