Tình hình Syria: Mỹ chuyển thêm 40 tay súng IS tới căn cứ ở Syria
Mỹ đưa thêm 40 tay súng khủng bố IS tới căn cứ ở Syria; Damascus phản đối cuộc họp bàn về Syria ở Brussels là những diễn biến mới của tình hình Syria.
Mỹ đưa thêm IS tới căn cứ quân sự
Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) đưa tin, quân đội Mỹ đã dùng máy bay vận chuyển khoảng 40 tay súng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS từ nhà tù al-Houl tới căn cứ quân sự al-Shadadi ở tỉnh Hasakah, phía nam Syria.
SANA dẫn lời các nguồn tin cho hay, “3 trực thăng của quân đội Mỹ và 3 trực thăng tấn công đã hạ cánh xuống căn cứ al-Shadadi vào chiều ngày 30/3”. Trong số những trực thăng này có chở theo 2 tay súng khủng bố người Iraq bị tình nghi là thủ phạm gây ra các vụ tấn công ở tỉnh Deir Ez-Zor.
Quân đội Mỹ tiến hành tuần tra ở tỉnh Al-Hasakah của Syria. (Ảnh: Sputnik) |
Cũng theo SANA, nhà tù al-Houl ở phía đông thành phố Hasakah hiện do phe phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) điều hành. SDF do người Kurd đứng đầu và nhận được sự hậu thuẫn từ phía Mỹ.
Trước đây, hồi tháng Một, các trực thăng của quân đội Mỹ cũng thường xuyên vận chuyển nhiều tay súng IS từ nhà tù ở Ghuwayran và al-Sena'a thuộc thành phố Hasakah tới căn cứ al-Sena'a của Mỹ ở Iraq. Cụ thể, hơn 100 tay súng IS được cho đã được vận chuyển tới căn cứ al-Sena'a và được trang bị vũ khí trước khi thả ra ngoài.
Trong những năm gần đây, nhiều báo cáo nghi ngờ quân đội Mỹ ngấm ngầm hỗ trợ cho các lực lượng khủng bố như vận chuyển tới nhiều vị trí trong khu vực. Từ đây, số vụ tấn công khủng bố ở Syria và Iraq xảy ra ngày càng nhiều. Mỹ xem những vụ khủng bố ở Syria và Iraq là cái cớ để duy trì sự hiện diện quân sự ở hai quốc gia này.
Thậm chí, không ít báo cáo tố giác Mỹ dùng máy bay vận chuyển các tay súng khủng bố, thả vũ khí hỗ trợ từ trên không và bảo vệ trên không cho các nhóm vũ trang trái phép, trong bối cảnh Mỹ rút bớt quân khỏi Iraq và Syria.
Tại Syria, quân đội Mỹ hiện đóng quân ở các tỉnh Al-Hasakah và Deir ez-Zor, 2 khu vực vốn dầu tập trung trữ lượng dầu mỏ và khí đốt nhiều nhất ở Cộng hòa Hồi giáo.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Syria lâu nay bị coi là bất hợp pháp vì không nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và chính quyền Damascus. Quân đội Mỹ triển khai chiến dịch quân sự ở Syria từ năm 2017 với tuyên bố nhằm tiêu diệt các tay súng khủng bố.
Trong giai đoạn nắm quyền, cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần hứa rút quân đội Mỹ khỏi Syria, nhưng lời hứa này chưa hoàn toàn trở thành hiện thực. Bởi Mỹ vẫn duy trì một lực lượng quy mô nhỏ với lời biện minh là để “bảo vệ dầu mỏ Syria” không rơi vào tay các nhóm khủng bố.
Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo, quân đội Mỹ có mặt ở Syria không phải để bảo vệ các mỏ dầu mà là hỗ trợ cho các lực lượng người Kurd khai thác trái phép và buôn lậu ra nước ngoài.
Thậm chí, hồi tháng 11/2019, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gọi hành động của Mỹ là “ăn cướp” nhằm lấy cắp nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia này.
Syria phản đối hội nghị ở Brussels
Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố, chính quyền Damascus không chấp nhận cuộc họp bàn về Syria diễn ra ở Brussels do sự kiện này được tổ chức mà không có phái đoàn của chính phủ Syria tham dự.
“Syria nhấn mạnh sự phản đối với việc tổ chức hội nghị mà không mời chính phủ Syria tham dự, trong khi các bên thảo luận về những vấn đề liên quan tới tình hình người dân Syria”, SANA dẫn lá thư được Bộ Ngoại giao Syria gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) và Tổng thư ký LHQ.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Syria, việc không mời chính phủ Syria tham gia cuộc họp ở Brussels rõ ràng đã vi phạm các nền tảng của Hiến chương LHQ khi kêu gọi mọi người tôn trọng chủ quyền và sự độc lập của Syria, sự hợp nhất và an ninh lãnh thổ quốc gia.
Hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ quốc tế cho Syria lần thứ 5 được tổ chức trong 2 ngày 29 – 30/3 tại Brussels, Bỉ. Hội nghị do LHQ và Liên minh châu Âu (EU) đồng tài trợ. Tại cuộc họp, các bên đã cam kết quyên góp số tiền trị giá 6,4 tỉ USD.
Trong cuộc họp, các thành viên từ tổ chức dân sự Syria cùng các quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan, cũng như đại diện từ các cơ quan LHQ đã thảo luận về những phương thức chuyển hàng cứu trợ cho người dân Syria giữa lúc cuộc nội chiến ở Cộng hòa Hồi giáo bước sang năm thứ 10.
Tới ngày 31/3, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố Hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ quốc tế cho Syria lần thứ 5 đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế khi không mời phái đoàn chính phủ Syria tham dự.
Nội chiến ở Syria bùng phát từ năm 2011. Theo thông tin từ Cao ủy LHQ về người tị nạn, hơn 6 triệu người đã phải đi sơ tán trong lãnh thổ Syria, cùng 6,6 triệu người Syria đi tị nạn ra nước ngoài từ năm 2011.
Tình hình Syria: Tham chiến ở Syria 6 năm, bao nhiêu lính Nga đã tử trận?
Hé lộ số lượng binh sĩ Nga thiệt mạng trên chiến trường Syria; Iran hiếm hoi xác nhận binh sĩ tử trận ở Syria là những diễn biến mới của tình hình Syria.
Minh Thu (lược dịch)