Tình hình mua bán người trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn diễn biến phức tạp
Một đối tượng lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc bị BĐBP Lào Cai bắt giữ (Ảnh: BĐBP) |
Lào Cai có 25 tộc người cùng chung sống, có 674.530 dân, trong đó dân tộc Kinh chỉ chiếm 35%, còn lại là các dân tộc thiểu số, phân bố trên 164 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện thành phố. Trình độ dân trí phát triển không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu như kéo vợ, tảo hôn...
Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét giữa vùng cao, vùng sâu xa, vùng biên với thành phố và vùng thấp, một bộ phận dân cư có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và trình độ nhận thức hạn chế có nhu cầu đi tìm việc làm thu nhập cao tại các đô thị để thay đổi cuộc sống rất dễ bị các đối tượng tội phạm dụ dỗ, lừa gạt bán vào ổ mại dâm hoặc môi giới làm vợ của những người đàn ông nước ngoài nghèo, già, tật nguyền không có khả năng lấy vợ bản xứ.
Bên cạnh đó với vị trí địa lý thuận lợi, có 2 cửa khẩu quốc tế đường bộ với 2 điểm thông quan, cửa khẩu quốc tế liên vận đường sắt, cửa khẩu song phương, cửa khẩu phụ, lối mở và nhiều đường mòn qua lại qua biên giới.
Hơn nữa với giao thông phát triển nối liền với các địa phương trong cả nước, cộng với tiềm năng du lịch và khai khoáng, trong thời gian tới Lào Cai sẽ luôn là điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài nước đồng thời thu hút một lượng lớn người từ nơi khác đến làm ăn sinh sống. Đây là một lợi thế giúp cho kinh tế của Lào Cai ngày càng phát triển nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mua bán người. Lào Cai được xác định là địa bàn trọng điểm, trung chuyển nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Lào Cai cũng là tỉnh có nhiều phụ nữ đi khỏi địa phương không báo cáo chính quyền, chủ yếu phụ nữ độ tuổi dưới 30, dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%, hình thức đi chủ yếu vượt biên trái phép sang Trung Quốc.
Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Lào Cai đã phát hiện 392 vụ, bắt lập hồ sơ xử lý 458 đối tượng, khởi tố 392 vụ/458 đối tượng. Từ năm 2016 đến nay đã phát hiện và làm rõ 74 vụ/101 đối tượng.
Tình hình mua bán phụ nữ và trẻ em đã và đang trở thành vấn đề xã hội bức xúc. Dự báo trong thời gian tới tình hình nạn mua bán người trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ còn diến biến hết sức phức tạp.
Theo đó, phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này cũng đa dạng, phức tạp. Chúng tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm, cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng ở địa bàn khu vực biên giới và các đối tượng từ các tỉnh trên toàn quốc, thông qua các mối quan hệ có sẵn hoặc sử dụng các dịch vụ tiện ích của công nghệ thông tin như điện thoại, mạng xã hội zalo, facebook... để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt bằng thủ đoạn giới thiệu việc làm nhàn hạ có lương cao, giả yêu đương, đưa đi thăm gia đình, đưa đi chơi, sau đó cùng đồng bọn đưa nạn nhân vào khu vực biên giới hẻo lánh, ép buộc đưa sang Trung Quốc bán cho các chủ chứa mại dâm để khai thác, bóc lột tình dục, tổ chức các đường dây cho thuê gái vào nội địa Trung Quốc bán dâm hoặc ép buộc làm vợ người đàn ông Trung Quốc.
Để tránh sự phát hiện, truy bắt của cơ quan công an, BĐBP, bọn tội phạm cũng có sự thay đổi về thủ đoạn, như môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh qua cửa khẩu hoặc hướng dẫn để nạn nhân tự vượt biên giới, đưa nạn nhân đi sâu vào nội địa Trung Quốc, rồi sử dụng điện thoại để chỉ đạo, thỏa thuận việc mua bán, chuyển, giao nhận nạn nhân.
Theo báo cáo của BĐBP Lào Cai, nạn nhân mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi từ 15 đến 26 tuổi, ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội, pháp luật còn hạn chế, thiếu việc làm, khó khăn về kinh tế, một số nạn nhân là học sinh tại trường THCS và THPT.
Tập trung ở địa bàn các huyện Bảo Thắng, Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Căn Bàn; ngoài ra còn có các tỉnh như Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên và một số tỉnh phía Nam.