Tình cảnh trái ngược ở Trung Quốc: Người thờ ơ, người đổ xô vào siêu thị mua hàng tích trữ
Sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra lời khuyên nên tích trữ sẵn lương thực, nhiều người hoảng sợ đổ xô tới các siêu thị, nhưng không ít người lại thờ ơ.
Hôm 3/11, các siêu thị và chợ ở Trung Quốc chứng kiến cảnh tượng quá tải do nhiều người dân đổ xô đi mua bắp cải, gạo và bột mì, sau khi chính quyền Bắc Kinh lên tiếng hối thúc người dân mua đồ dự trữ phòng trường hợp khẩn cấp.
Thông báo này nhanh chóng tạo ra tâm lý hoang mang cho nhiều người, nhưng không ít người lại tỏ ra thờ ơ do tự tin hàng hóa vẫn luôn sẵn có nhất là ở khu vực các thành phố lớn.
Tình cảnh trái ngược ở Trung Quốc khi nhiều người thờ ơ, nhưng không ít người hoảng loạn đổ vào siêu thị mua hàng tích trữ. (Ảnh: Reuters) |
Trước đó, vào ngày 1/11, Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra thông báo khuyến khích các cơ quan chức năng đảm bảo nguồn cung thực phẩm và bình ổn giá, trong bối cảnh mùa đông sắp tới gần, giá bán rau xanh đang tăng vọt và dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát nhanh.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Trung Quốc còn khuyến khích các hộ gia đình tích trữ sẵn nhu yếu phẩm thiết yếu trong trường hợp khẩn cấp. Thông tin này đã khiến nhiều người quan ngại và đổ ra các siêu thị hoặc chợ để mua sẵn gạo và dầu ăn.
Tuy nhiên, vào cuối ngày 3/11, truyền thông Trung Quốc đưa tin chính phủ sẽ đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu bao gồm thịt và rau xanh, cũng như bình ổn giá bán.
“Mùa đông lạnh giá sắp tới, chúng tôi muốn đảm bảo có đủ thực phẩm để ăn”, Reuters dẫn lời một người phụ nữ đang khuân bao gạo lên xe đạp ở bên ngoài siêu thị ở miền trung của Trung Quốc.
Trong khi đó, hàng dài khách hàng được nhìn đứng xếp hàng bên các kệ bày bán bắp cải để chờ mua và mang về nhà tích trữ ăn dần vào mùa đông.
Song nhiều người cho hay không cần thiết phải tích trữ đồ ăn trong thời điểm hiện tại.
“Mua sẵn rau xanh, vậy cất giữ chúng ở đâu trong nhà? Tôi chỉ mua đủ nhu cầu dùng trong ngày”, bà Shi, một người nghỉ hưu ở Bắc Kinh chia sẻ.
Một số người khác nhấn mạnh, họ không sợ thiếu hụt nguồn cung hàng hóa nhất là ở thủ đô Bắc Kinh.
Ông Ma Wenfeng, nhà phân tích tại công ty tư vấn A.G. Holdings Agricultural Consulting, nhận định hàng năm chính phủ Trung Quốc vẫn thường khuyên người dân mua sẵn hàng hóa thiết yếu trước giai đoạn mùa đông.
“Chuyện này là cần thiết bởi mùa đông thường có tuyết dày, mùa đông năm nay như thế nào hiện vẫn chưa rõ. Do đó, lời khuyên được đưa ra là chuyện bình thường”, ông Ma nói.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc dự báo nhiệt độ ở các khu vực phía tây bắc, tây nam, miền đông và trung nước này sẽ giảm mạnh vào cuối tuần này.
Còn trong bản tin hôm 2/11, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV nhấn mạnh lời khuyên được Bộ Thương mại đưa ra đã “bị suy diễn quá mức”.
“Hiện tại, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ở nhiều nơi vẫn đang đầy đủ. Nguồn cung sẽ luôn được đảm bảo”, ông Zhu Xiaoliang, Cục trưởng Cục Xúc tiến Tiêu dùng thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay.
Trên thực tế, một số thành phố như Thiên Tân ở phía bắc và Vũ Hán ở phía Nam còn báo cáo giá bán rau xanh đang giảm trong các siêu thị.
Nhưng tâm lý hoảng loạn đi mua hàng vẫn tiếp diễn vào ngày 3/11. Thậm chí, một số người phàn nàn trên mạng rằng nhiều kệ hàng trong siêu thị đã trốn trơn, cùng tâm lý lo sợ dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh mẽ.
Hôm 3/11, Trung Quốc báo cáo có số ca mới mắc Covid-19 trong 1 ngày ở cao nhất trong vòng 3 tháng qua, với 9 trường hợp ở Bắc Kinh. Đây là số ca mắc Covid-19 cao nhất trong 1 ngày được ghi nhận ở Bắc Kinh trong năm nay.
“Dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường. Một khi dịch bệnh bùng phát, cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Đó là lý do tại sao người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa cho mùa đông để tránh ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Ma cho hay.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 bằng cách cho phong tỏa toàn khu vực có ca bệnh và giới hạn hoạt động ra vào vùng dịch.
Nguyên nhân là gì?
Theo Bloomberg, tuyên bố hôm 1/11 của chính phủ Trung Quốc hối thúc chính quyền các địa phương đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân trong mùa đông khiến nhiều người cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ dịch Covid-19 có nguy cơ lan rộng, mùa đông năm nay khắc nghiệt hơn, và thậm chí là căng thẳng ở eo biển Đài Loan có khả năng bùng nổ thành xung đột.
Trước đây, một thông báo tương tự cũng được ban hành hồi tháng Chín, trước thời điểm người dân Trung Quốc bước vào 1 tuần nghỉ lễ vào đầu tháng 10. Thời điểm đó, chính quyền các địa phương khẳng định họ sẽ đảm bảo nguồn cung thực phẩm và bình ổn giá trong giai đoạn nghỉ lễ.
Tuy nhiên, thông báo mới nhất khiến người dân Trung Quốc lo ngại có liên quan tới sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, khiến nhiều khu vực đang bị phong tỏa và áp dụng quy định hạn chế đi lại, sau khi hơn 1/2 tỉnh thành ở nước này ghi nhận ca mắc bệnh.
Nhiều bình luận trên mạng Trung Quốc cho rằng, đề nghị tích trữ sẵn thực phẩm có liên quan tới căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Nhưng không ít người nhấn mạnh thông báo đã thể hiện sự quan ngại gia tăng trước thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất trồng rau củ và gián đoạn hoạt động giao thông vận tải.
Trong những tuần gần đây, giá bán các loại rau xanh ở Trung Quốc đã tăng phi mã. Ở một số nới, giá bán rau còn cao hơn cả giá bán thịt, sau khi những trận mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng tại các vựa nông nghiệp ở miền bắc và tỉnh Sơn Đông.
Ngoài tuyên bố trấn an dư luận của Bộ Thương mại Trung Quốc, tờ Economic Daily cũng khẳng định người dân không nên quá lo lắng. Bởi theo Economic Daily, lời khuyên tích trữ sẵn thực phẩm là để đề phòng trường hợp khu vực bị phong tỏa khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến người dân phải ở trong nhà.
Trong tuần này, Trung Quốc sẽ đón đợt không khí lạnh, khi nhiệt độ ở một số khu vực được dự báo xuống còn dưới 15 độ C.
Lâu nay, giá bán rau thường tăng cao trong giai đoạn mùa đông lạnh giá và nguồn cung cũng thường không đủ để đáp ứng nhu cầu mua tăng cao trước Tết Nguyên Đán.
Hiện các nhà phân phối nông sản quy mô lớn ở Trung Quốc đã được khuyến cáo nên ký hợp đồng dài hạn với bên sản xuất. Các tỉnh ở miền nam và bắc Trung Quốc được khuyên cần cải thiện hệ thống bảo quản rau tươi, cũng như đảm bảo đưa rau và thịt được bảo quản ra thị trường đúng thời điểm để phục vụ nhu cầu của người dân.
Điều đáng nói, thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc khuyến khích người dân mua thực phẩm tích trữ được công bố sau chưa đây 2 tuần, một cơ quan của chính phủ nước này yêu cầu các công ty thực phẩm tránh tình trạng đầu cơ gom hàng.
Cô gái ngoài 30 tuổi ở Trung Quốc chia sẻ bí kíp 9 năm mua 2 căn hộ ở 'khu đất vàng'
Tiết kiệm suốt 9 năm giúp cô gái mới ngoài 30 tuổi sở hữu 2 căn hộ nằm ở "khu đất vàng" tại Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)