Tìm giải pháp phát triển nghề công tác xã hội
Tham dự Hội thảo có: bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề Công tác xã hội Việt Nam; ông Lưu Quang Đại, quyền Giám đốc Chương trình của tổ chức Plan International tại Việt Nam; các chuyên gia đến từ trường Đại học Sanjose (Mỹ) cùng đại diện lãnh đạo các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Kon Tum; đại diện lãnh đạo Làng Trẻ em SOS Việt Nam, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các giảng viên đến từ các Học viện, các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội.
Phát triển khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng nhiệt liệt chào mừng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo “Công tác xã hội với phát triển bền vững” - sự kiện này trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm ngày Công tác xã hội thế giới lần thứ 17; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam; đồng thời nêu rõ, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong nhiều năm qua, công tác xã hội đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều văn bản phát luật trong lĩnh vực an sinh xã hội đã được ban hành như Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục - Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng chống HIV/AIDS… Đặc biệt Hiến pháp sửa đổi năm 2013 của Việt Nam quy định “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội” (điều 34).
Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết, hiện ở Việt Nam đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội khá lớn. Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 9 triệu người cao tuổi; 6,7 triệu người khuyết tật; 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 9,6% hộ nghèo và hàng nghìn đối tượng nhiễm HIV, ma túy, mại dâm… đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác xã hội của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hằng tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Plan International tại Việt Nam – một tổ chức quốc tế có uy tín hoạt động vì sự phát triển của trẻ em và người nghèo, Hội thảo sẽ là dịp để các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về vai trò của công tác xã hội đối với phát triển bền vững; về nguồn nhân lực, công tác đào tạo và các điều kiện để công tác xã hội thực sự trở thành một “ trụ đỡ” đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại Hội thảo, ông Lưu Quang Đại, quyền Giám đốc Chương trình của tổ chức Plan International tại Việt Nam phát biểu cho rằng, công tác xã hội được hiểu là một nghề và cũng được biết đến là một môn khoa học. Tất cả nhằm cải thiện chất lượng của cuộc sống và hạnh phúc của các cá nhân, gia đình, và của cả cộng đồng. Công tác xã hội bao gồm lĩnh vực nghiên cứu, lĩnh vực phát triển chính sách, tổ chức phát triển cộng đồng và các can thiệp trực tiếp nhằm tới những người bị ảnh hưởng từ: nghèo đói, bệnh tật và chịu các thiệt thòi khác. Công tác xã hội vì thế mà theo đuổi mục đích bình đẳng và công bằng cho những cá nhân và cộng đồng những người bị ảnh hưởng nói trên, cùng với họ hoặc đại diện cho họ để tạo nên sự thay đổi về xã hội một cách tích cực. Để có được ngành Công tác xã hội có hiệu quả, cần những nguồn nhân lực có khả năng và chuyên môn.
Theo ông Lưu Quang Đại, Hội thảo là dịp để tất cả những ai đang quan tâm về công tác xã hội chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm và các bài học nhằm giúp công tác xã hội tại Việt Nam phát triển hơn nữa; giúp Việt Nam có một đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp hơn để cùng hướng tới xây dựng một xã hội ngày càng thịnh vượng hơn.