Tìm cách "gỡ khó" cho các chủ tàu du lịch tại Hạ Long
Ngày 15/6, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh phối hợp cùng Chi hội tàu du lịch Hạ Long tổ chức đối thoại cùng các chủ tàu để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp làm du lịch trên vịnh Hạ Long.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, tính đến ngày 31/5, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho 240 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long vay tổng dư nợ 1.876 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.670 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có trên 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Do dịch bệnh, các tàu một thời gian dài không có khách, phải hoạt động cầm chừng; thậm chí, không có doanh thu do buộc phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.
Tìm cách "gỡ khó" cho các chủ tàu du lịch tại Hạ Long |
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Mạnh Lượng - Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Quảng Ninh cho biết, ngày 12/6, Chi hội tàu du lịch Hạ Long đã họp với các hội viên để rà soát những khó khăn, vướng mắc và thống nhất kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh và các Ngân hàng Thương mại xem xét giải quyết một số đề xuất của các chủ tàu, chủ doanh nghiệp, trong đó đề xuất xin được cơ cấu toàn bộ các món vay (Kể cả các món vay để hoàn thiện tàu đóng mới dở dang giải ngân sau ngày 23/01/2020) trong suốt thời gian dịch bệnh COVID 19 diễn ra.
Kể từ thời điểm Chính phủ tuyên bố hết dịch sẽ tiếp tục được cơ cấu thêm 3 năm nữa và được gia hạn hợp đồng tín dụng thêm 3 năm so với hợp đồng ban đầu, gốc và lãi sau cơ cấu sẽ được chuyển trả đều hoặc sẽ được trả theo hình thức lũy tiến tăng dần theo tình hình phục hồi hoạt động thực tế sau khi hết dịch vào 3 năm gia hạn hợp đồng tín dụng đó.
"Hiện nay, chính sách hỗ trợ giãn nợ chỉ áp dụng từ 3 tháng đến 12 tháng thì doanh nghiệp không thể có đủ khoảng thời gian cần thiết để khôi phục hoạt động vì chưa có nguồn thu để có thể trả nợ.
Hơn nữa, chính sách hỗ trợ hiện nay yêu cầu dồn các kì giãn nợ vào một kì cuối phải trả hết thì càng gây khó cho doanh nghiệp, vì khi đó chắc chắn doanh nghiệp không thể có đủ nguồn tài chính để trả tất cả nợ gốc cùng lãi vay như vậy được.
Hiện các doanh nghiệp đã lâm đường cùng và để cứu hơn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long nên chi hội phải làm đơn cầu cứu gửi đến Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp giải cứu cho doanh nghiệp làm du lịch.
Hơn 15 tháng qua, các doanh nghiệp trong chi hội phải xoay mọi cách để có tiền nuôi nhân viên và trả các chi phí bảo dưỡng… Tuy nhiên, hàng tháng các chủ tàu vẫn phải trả tiền lãi cùng gốc vay ngân hàng chiếm tới 70% vốn đầu tư cho các con tàu. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản”, ông Nguyễn Văn Phượng - Chi hội phó Chi hội tàu Hạ Long cho biết.
Ông Bùi Công Hoan, Phó chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long, cho biết tàu du lịch là một ngành đặc thù nên dù không đón khách vẫn phát sinh nhiều chi phí. Vào mùa du lịch có trên 6.000 lao động làm việc trên các tàu nhưng khi dừng hoạt động vẫn còn khoảng 3.000 lao động làm việc và doanh nghiệp phải chi trả nhân công trong khi không có nguồn thu.
Theo thống kê của Chi hội tàu du lịch Hạ Long, trên Vịnh Hạ Long có khoảng 500 tàu du lịch hoạt động, trong đó có 187 tàu du lịch nghỉ đêm, còn lại là tàu tham quan.
Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, hoạt động tham quan Vịnh Hạ Long gần như bị ngừng hoặc rất ít tàu đón rải rác lượng khách nội địa. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các tàu buộc phải nằm bờ nhưng lại phát sinh ra nhiều khoản chi phí, trong đó có tiền lãi và gốc ngân hàng phải trả định kỳ khiến các chủ tàu đứng trước nguy cơ phá sản.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc được đưa ra tại hội nghị.Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh đã đối thoại, chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch với những nội dung thuộc thẩm quyền. Theo đó, các ngân hàng đã tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động theo các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; đặc biệt là theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Với những bất cập về mặt chính sách phát sinh trong thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp để kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết trong thời gian tới.
Hoàng Thanh