Tiểu thương phải vào cuộc tiếp sức cho hàng Việt
Nhiều chủ sạp bức xúc rằng siêu thị lúc nào cũng có khuyến mãi, nhưng chợ lại không có. Doanh nghiệp có thể bỏ chi phí cho siêu thị, nhưng lại không đầu tư vào chợ. Điều đó phần nào đã làm giảm sức cạnh tranh của chợ. Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ – Casuco cũng nhận định để vào được siêu thị, doanh nghiệp phải chịu chi phí, chiết khấu cao nhưng hiệu quả bán hàng thấp nên công ty đang dần chuyển hướng vào kênh phân phối chợ, nơi chiếm đến 70% nhu cầu mua sắm của người dân.
Thực tế, những sản phẩm Việt chưa được chú trọng phân phối cũng như quảng bá ở chợ, thị trường nông thôn. Doanh nghiệp chưa đánh giá đúng vai trò của người bán hàng, tiểu thương. Chính vì lý do đó, người dân nơi đây vẫn khó tiếp cận với hàng chất lượng. Lý giải về vấn đề này ông Hùng cho biết thêm “xu hướng thị trường, kinh doanh đã thay đổi nên trong những năm tiếp theo công ty sẽ tăng doanh số bán lẻ lên 10-15%, bằng việc đưa hàng Việt vào chợ, cửa hàng tạp hóa, quảng bá tiếp thị đến khách hàng, và có nhiều ưu đãi hơn cho chủ sạp, người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, tiểu thương tại chợ Cần Thơ cho biết sự phát triển ngày càng rầm rộ của các kênh phân phối hiện đại đã khiến tiểu thương nhiều chợ tại địa phương bỏ sạp, chuyển nghề. Và để có thể kinh doanh được trong thời buổi hiện nay, tiểu thương cần nâng cao kỹ năng bán hàng, tham gia vào các câu lạc bộ tiểu thương, để chị em trong nghề có thể trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết về xu hướng kinh doanh, nhu cầu của người tiêu dùng để có những thay đổi kịp thời.
Bên cạnh đó, giá cả sản phẩm vẫn là cân nhắc lớn nhất với những người dân nghèo ở nông thôn. Sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, cũng như giá cả hợp lý là những yêu cầu mà người tiêu dùng đang đặt ra cho các doanh nghiệp Việt. NSUT Tạ Minh Tâm chia sẻ thêm cần nuôi dưỡng niềm tin hàng Việt cho người tiêu dùng nhí, để không chỉ tiểu thương là đại sứ hàng Việt mà mỗi người dân, mỗi em nhỏ cũng là một sứ giả của hàng Việt.