Tiểu hành tinh lớn bằng nửa núi Everest lao như bay về Trái Đất
Một tiểu hành tinh có kích thước bằng một phần hai núi Everest sẽ bay qua Trái Đất vào ngày 29/4.
Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico đã chụp được hình ảnh của tiểu hành tinh 1998 OR2 đang bay về phía Trái Đất.
Hình ảnh tiểu hành tinh 1998 OR2 do Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico ghi lại |
Theo CNN, các chuyên gia dự đoán, 1998 OR2 sẽ vượt qua hành tinh chúng ta vào ngày 29/4 ở khoảng cách 6 triệu km, tương đương 16 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA phát hiện ra tiểu hành tinh 1998 OR2 vào năm 1998 và dự báo nếu nó đâm vào Trái Đất sẽ gây ra hiệu ứng toàn cầu. Tuy nhiên, NASA cho biết điều đó rất khó xảy ra.
Hình ảnh ghi lại được cho thấy hình dáng của tiểu hành tinh tựa như một người đeo khẩu trang. |
Tiến sĩ Steven Pravdo cho biết: "Phát hiện này xuất hiện sau khi NASA cài đặt phần cứng phân tích dữ liệu và điện toán tiên tiến mới giúp tăng tốc tìm kiếm các vật thể gần Trái Đất".
1998 OR2 quay quanh mặt trời sao 1.340 ngày, tương đương 3,67 năm và hoàn thành một vòng quay quanh trục của nó sau 4,11 ngày. Ước tính, thiên thạch khổng lồ này có chiều rộng ít nhất 1,8 km và chiều dài là 4,1 km.
Theo dự kiến của Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái Đất của NASA, tiểu hành tinh sẽ tiếp cận gần Trái đất nhất là 5h00 sáng ngày 29/4 (theo giờ miền Đông Mỹ).
Flaviane Venditti, nhà khoa học tại đài thiên văn Arecibo cho biết: "Các phép đo radar cho phép chúng ta biết chính xác hơn về phương pháp tiếp cận gần Trái Đất của thiên thạch trong tương lai. Năm 2079, tiểu hành tinh 1998 OR2 sẽ đi qua Trái đất gần hơn 3,5 lần so với năm nay, vì vậy điều quan trọng là phải biết chính xác quỹ đạo của nó".
Đây là tiểu hành tinh lớn nhất dự kiến sẽ vượt Trái đất trong vòng hai tháng tới, nhưng 1998 OR2 không phải tiểu hành tinh lớn nhất từ trước đến nay.
Tiểu hành tinh 3122 Florence (1981 ET3) bay ngang qua và may mắn không va chạm với Trái đất vào ngày 1/9/2017. Nó sẽ quay lại theo chu kỳ vào ngày 2/9/2057.
Hoàng Dung (Lược dịch)