Tiếp tục ưu tiên vốn phát triển nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
Theo Bộ Tài chính, việc bố trí nguồn lực cho chương trình nông thôn mới vẫn gặp một số khó khăn, thách thức như hiện nay vẫn chưa bố trí được nguồn kinh phí khen thưởng công trình phúc lợi cho các địa phương có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 tại Quyết định số 2001/QĐ-TTg ngày 20/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ là 638 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ khi thực hiện chương trình nông thôn mới, do diễn biến tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi và những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến việc huy động và bố trí nguồn lực thực hiện, nhất là nguồn ngân sách nhà nước và huy động từ doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới...
Ảnh minh họa. |
Để nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính có một số định hướng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chương trình nông thôn mới.
Theo đó, tiếp tục thực hiện ưu đãi thuế, phí và lệ phí đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, chính sách ưu đãi thuế, phí và lệ phí đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm khuyến khích phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta.
Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề thu hút nhiều lao động, các dự án phục vụ chế biến, bảo quản xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản, nhằm giải quyết việc làm cho nông dân thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Cùng với đó, dành nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó chú ý thực hiện các chính sách ưu tiên bố trí ngân sách phát triển đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại các vùng khó khăn theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững và Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Cùng với đó, có cơ chế cho các vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội để thu hút nguồn lực tài chính để tự phát triển, bố trí dành nguồn ngân sách để tập trung đầu tư cho các vùng còn nghèo và khó khăn, phát triển nguồn nhân lực theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020...
Bộ Tài chính đề nghị các địa phương chủ động bố trí cân đối ngân sách địa phương cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, tăng cường cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... để phát triển sản xuất.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ sung nguồn vốn 638 tỷ đồng trong nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn ngân sách nhà nước, trong trường hợp đảm bảo được nguồn theo đúng Nghị quyết 84/2019/QH14 ngày 14/6/2019, để các địa phương có nguồn thực hiện.
Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thu tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm khuyến khích đầu tư; rà soát các khoản phí, lệ phí thuộc lĩnh vực nông nghiệp và các loại phí, lệ phí người nông dân phải đóng khi được cung cấp các dịch vụ công để đề xuất miễn, giảm cho nông dân.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp nông thôn; ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề thu hút nhiều lao động, các dự án phục vụ chế biến, bảo quản xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản, nhằm giải quyết việc làm cho nông dân thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục dành nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Đối với các địa phương, Bộ Tài chính kiến nghị chủ động rà soát, đánh giá tổng thể các chính sách, chế độ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; trong đó cần xác định những chính sách, chế độ chồng chéo, không hiệu quả; trên cơ sở đó, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương việc lồng ghép các chính sách hoặc loại bỏ các chính sách chế độ chồng chéo, không hiệu quả.
Việc huy động đóng góp của người dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không giao chỉ tiêu huy động, không gắn việc đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp.