Tiễn ba về miền an vui
Hơn một tuần trước, cũng là chị đã báo tin, “ba em bệnh, nhập viện ở Đà Nẵng, cũng nặng lắm đó”. Tôi gọi cho ba, nghe chất giọng Quảng Ngãi quen thuộc, thấy ba còn khỏe mạnh. Ông vẫn nhận ra tôi. Ba bảo “trời kêu ai nấy dạ” khi nói về căn bệnh ung thư phổi của mình. Ba phát hiện bệnh khi gần đây khó thở, chán ăn, mệt mỏi.
“Kết quả bác sĩ mới báo sau khi sinh thiết. Bệnh viện tỉnh đề nghị chuyển ra Đà Nẵng để điều trị”, ba nói. Và tôi phần nào an tâm, hứa ít ngày nữa về Quảng Nam đón Tết sẽ ghé thăm ba.
Vậy mà, chiều nay tôi nhận tin dữ.
Thực sự, tôi không có ký ức gì về ba. Từ nhỏ, tôi sinh ra và chỉ biết có má, ngoại - là hai người thân bên cạnh, chăm sóc, lo lắng cho mình từ miếng ăn, giấc ngủ, chuyện học hành - trải qua những buồn vui cùng mình. “Giai thoại” về tình yêu của ba má tôi dường như ở quê ai cũng biết. Họ hay kể cho tôi nghe về ba và ông nội tôi: Hồi đó ba mi đến ở trọ nhà bà ngoại để làm mấy công trình thủy lợi tại địa phương, rồi có tình ý với má mi…
Gia đình nội, trong đó không có tôi, ba (đứng, bìa trái). Kính chúc ba ra đi thanh thản. Ảnh: GĐCC
Khi ba và nội làm xong công trình cũng là lúc má phát hiện đã mang thai tôi. Nhưng cũng từ đó, ba tôi biền biệt dù biết đã gây ra “hậu quả”. Sau đó, ba có vợ, rồi có con; rồi lại có thêm những đứa con khác, là em tôi từ một vài phụ nữ khác…
Ba tôi đào hoa vậy đó, nên cũng lở dở hôn nhân. Có lẽ không người phụ nữ nào chịu được tính trăng hoa của chồng. Và cuối cùng, những năm tháng sau này, ba tôi về quê Quảng Ngãi ở với bà nội.
Tôi lớn lên trong yêu thương của ngoại, của má, trưởng thành ở Quảng Nam. Có những lúc thật sự khó khăn hay khi vào đại học, má tôi gần như đã mót vét hết số tiền dành dụm cũng chỉ đủ để tôi đóng học phí, lo ăn ở đúng một học kỳ. Đó cũng là những lúc tôi hay ước: giá mà có ba. Rồi cứ mơ mơ tưởng tưởng rằng, có khi nào ba hay tin tôi đỗ đại học, sẽ tìm tôi rồi nói “để ba lo cho con học hành”. Lúc đó, chắc ba sẽ giống như ông Tiên trong truyện cổ tích mà tôi vẫn thường đọc. Nhưng rồi không có ông Tiên mang tên ba xuất hiện như tôi mơ…
Má tôi tảo tần với đôi tay chai cứng. Có khi mệt quá, má lén khóc. Và tôi cũng lén khóc. Những năm tháng đó thật là kinh khủng đối với hai má con tôi.
Cái khổ làm cho người ta gan lì hơn. Nhờ vậy mà tôi và má đã bươn qua những năm tháng đó, để rồi được sống sót với những dự định của mình.
Tất nhiên, đến giờ này, kể tất cả nỗi khổ mình và má đã trải không phải để tôi trách ba. Tôi đã ngưng buồn ba từ lâu lắm. Chắc có lẽ là từ lúc mình hiểu sâu hơn về nhân-duyên-quả, khi mình mở lòng và ôm được nhiều nỗi khổ khác của tự thân cũng như của má, của những người khác xung quanh. Má tôi hẳn cũng đã làm được điều này.
Và tôi bắt đầu tập thương ba. Thương theo kiểu, đó là người đã có duyên cùng má giới thiệu mình trên cuộc đời này. Tôi biết tôi vay mượn của ba cái duyên ban đầu ấy để biểu hiện trên cuộc đời. Rồi vì nhân-duyên cạn cợt giữa mình và ba nên chúng tôi không có cơ hội để sống cùng, không được lớn lên qua những ánh mắt dõi theo của một người đàn ông vững chãi trong gia đình, là ba.
Thi thoảng tôi vẫn nghĩ, không biết có ba sẽ hạnh phúc ra sao? Và mình sẽ khác như thế nào. Nhưng rồi tôi cũng tỉnh lại, vì thực sự, tôi chưa từng được có ba đúng nghĩa như bao người, dù ba tôi vẫn hiện diện trong cõi đời này.
Tôi chưa kịp có ba mà đã mất ba rồi. Cũng may, 5 năm trở lại đây tôi đủ duyên gặp lại ba bằng xương bằng thịt chứ không phải qua tưởng tượng. Ngày gặp, tôi thấy mình cũng khá giống ba với đôi mắt một mí đặc trưng dòng họ.
Tôi nhớ, hôm tìm về quê ba, khi tôi ghé lại ngôi chợ gần nhà nội để hỏi thăm thì có người đã nhận ra ngay. “Chắc là con thằng Vinh, tìm về nguồn cội”, cô bán tạp hóa ở đó nói. Tôi tính hỏi, có nhiều người tìm tới vậy không cô, nhưng rồi kịp lướt qua. Bà nội vui khi gặp lại tôi. Ba cũng thế. Hơn 30 năm mới thấy mặt người đã sinh ra mình, tôi bồi hồi. Tôi lục tìm một ký ức gì đó nhưng không có, chỉ có mỗi sợi dây nối với ba - là người đã cùng má sinh ra mình cách đây hơn 30 năm.
Năm nay tôi gần 40 tuổi, khi đã là ba của một bạn nhỏ khác mới thấm thía cái nghĩa của tình cha con, chính là quá trình vun vén theo ngày tháng. Con người, ngoài cơ thể sinh học thì còn (quan trọng hơn) chính là đời sống tinh thần với nhiều cung bậc. Nếu không có ký ức gì về một người thì lấy chi để nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm về người ấy?
Mặc dù tôi cũng thương ba. Nhưng, tình thương ấy sẽ không giống như bạn tôi thương người ba sinh ra, rồi sớm hôm kề cận, vất vả ngày đêm làm lụng dưỡng nuôi, giáo dục bạn ấy trong yêu thương được.
Tôi nghĩ về má mình. Rồi nhớ tới con mình. Nhìn ba mình ra đi vào một chiều cuối tháng Chạp, thấy cuộc đời thật hư huyễn, vô thường. Con người sinh ra và lớn lên, để có thể dồi dào yêu thương dành cho nhau thì đương nhiên phải được tưới tắm bằng yêu thương mỗi ngày. Nghĩ thế, tôi cúi đầu tiễn ba tôi và quyết định thọ “tâm tang”, lặng lẽ làm vài việc hồi hướng cho ba nhẹ nhàng.
Tôi biết ba mình đã ra đi rồi. Với những người thân gần ba thì đó là sự ra đi mới mẻ. Nhưng, có lẽ với tôi, ba đã “ra đi” từ khi tôi chào đời. Vì trong ký ức dày cộm của mình, tôi lục mãi không thấy ba ở đó…
Nhưng, tôi vẫn thương ba theo cách riêng. Tết này về tôi không gặp được ba nữa. Sẽ không có ai hôn má mình khi tôi rời Quảng Ngãi sau lời thưa “con về nha ba” nữa…
Kính chào ba, ba ra đi thanh thản nghen!
Lưu Đình Long