Tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có thể mắc Covid-19 và chuyển nặng
Dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì vẫn có thể mắc Covid-19 và chuyển nặng, thậm chí tử vong. Ví dụ như trên thế giới, trước kia 5% chuyển nặng thì bây giờ giảm xuống còn 1% chứ không có chuyện không có
Ảnh minh hoạ |
Theo dõi sau tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, triệu chứng muộn sau 7-14 ngày
Theo bác sĩ Hiền Minh, trẻ em sau tiêm vắc xin Covid-19 sẽ có các phản ứng phụ như người lớn, ngoài ra cần phải theo dõi thêm biến chứng chậm đó là viêm cơ tim sau nhiều ngày tiêm.
Chỉ trong 7 ngày (1- 6/11), số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh, ổ dịch phức tạp tại 20/30 quận huyện. Theo đó, chỉ trong 7 ngày, thành phố đã ghi nhận 516 ca mắc mới với 225 F0 trong cộng đồng.
Trước tình hình dịch của Hà Nội như hiện nay, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trong tình hình dịch hiện nay Hà Nội cần đánh giá việc người dân đã tiêm vắc xin rồi thì bị nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nào; tỷ lệ bị mắc Covid-19 và đã tiêm vắc xin thì bệnh trở nặng ra sao. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng biện pháp phòng, chống dịch tương xứng.
Sáng 8/11, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV đa khoa Đức Giang – bệnh viện duy nhất của Hà Nội được giao tiếp nhận những bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển nặng trên địa bàn Thành phố cho biết, "vẫn chưa thể đánh giá được".
Giám đốc BV Đức Giang nhấn mạnh việc người dân tiêm vắc xin mũi 1 thậm chí đủ 2 mũi vẫn mắc Covid-19 và vẫn lây cho người khác nhưng chắc chắn tỷ lệ tử vong, tỷ lệ tăng nặng sẽ giảm.
“Nhưng giảm bao nhiêu thì chưa có thống kê. Vì hiện nay, bệnh nhân vẫn đang nằm viện. Nhận định sơ bộ thì có vẻ đỡ nặng hơn rất nhiều, còn để khẳng định chắc chắn giảm bao nhiêu thì phải thêm 1 tuần nữa”, TS Nguyễn Văn Thường thông tin.
Trả lời câu hỏi, liệu có tình huống đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn trở nặng, thậm chí tử vong hay không? TS. Nguyễn Văn Thường khẳng định: “chắc chắn là có rồi. Ví dụ như ở thế giới trước kia 5% nặng thì bây giờ giảm xuống 1% chứ không có chuyện không có”.
Do đó, ông Thường khuyến cáo người dân dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn cần phải tuân thủ biện pháp phòng dịch.
Tương tự tại TP Hồ Chí Minh, vào chiều 4/11, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho biết, khảo sát hai ngày trước của Sở Y tế TP HCM trên nhóm F0 mới vào viện thuộc tầng hai cho thấy 86% bệnh nhân đã tiêm một hoặc hai mũi vắc xin.
14% bệnh nhân còn lại là người chưa tiêm vắc xin, 90% trong số này dưới 18 tuổi. Họ là F0 mới phát hiện tại các khu công nghiệp, khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố.
Một khảo sát khác, thực hiện hồi giữa tháng 10 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, thuộc tầng 3) cho thấy 45% trong tổng số 349 bệnh nhân ở mức độ nhẹ, còn lại là nặng (cần thở oxy, thở máy không xâm lấn, xâm lấn và ECMO).
So sánh giữa hai nhóm bệnh nhẹ và nặng với yếu tố đã tiêm và không tiêm vắc xin, nhóm chưa tiêm có 74% bệnh nặng, 26% nhẹ. Nhóm đã tiêm (gồm một hoặc hai mũi) thì 40% mắc bệnh nặng, 60% nhẹ. Trong đó, những người đã tiêm một mũi thì 49% bị nặng; người đã tiêm hai mũi chỉ có 12% nặng.
Phân tích sâu hơn ở nhóm bệnh nặng, kết quả là, nhóm đã tiêm 2 mũi vắc xin có một trường hợp cần thở máy xâm lấn, 5 ca phải thở oxy. Nhóm đã tiêm một mũi vắc xin có 10 ca phải thở máy xâm lấn. Nhóm không tiêm vắc xin có 51 trường hợp phải thở máy xâm lấn, 3 ca ECMO.
Bác sĩ Châu lưu ý đây là khảo sát ở quy mô một bệnh viện chuyên khoa của thành phố, không đại diện cho toàn bộ thông tin về vắc xin và bệnh nặng.
Tuy nhiên, theo PGĐ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả này xác nhận lại thông tin mà y văn thế giới đã khẳng định "nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 thì khả năng bảo vệ tốt hơn và tỷ lệ trở nặng khi nhiễm vi rút sẽ giảm đáng kể".
Tuy nhiên, BS Châu nhấn mạnh tiêm vắc xin vẫn có thể mắc bệnh, “thậm chí trở nặng và tử vong nếu không điều trị kịp thời, nhưng tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với không tiêm vắc xin”.
“Do đó, dù đã tiêm đủ 2 mũi, người dân vẫn cần tuân thủ 5K", bác sĩ Châu khuyến cáo.
Trên thế giới, trong một nghiên cứu được công bố vào trung tuần tháng 9, các nhà khoa học tại Đại học Yale (Mỹ) cho biết họ tiến hành nghiên cứu thực hiện với khoảng 1.000 bệnh nhân Covid-19 nhập viện tại Hệ thống y tế Yale New Haven từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay.
Trong đó chỉ có 54 ca đã tiêm vắc xin đủ liều. Trong số này có 14 ca bị bệnh nặng, độ tuổi trung bình là 80 và nhìn chung đều có bệnh nền như tim mạch, thừa cân, tiểu đường và một số bệnh về phổi.
Ông Hyung Chun, tác giả nghiên cứu, cho biết đại đa số bệnh nhân Covid-19 đã tiêm vắc xin đầy đủ đều có triệu chứng nhẹ. Theo ông Chun, nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta hiểu được những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh nặng do Covid-19 ở những người đã tiêm đủ liều.
Hiện nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch/phương án chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động.
Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị, thuốc... sẵn sàng thiết lập thêm các trạm y tế lưu động để đưa vào sử dụng khi có tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng trong cộng đồng.
N. Huyền