Tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền qua kênh kiều hối phi chính thức
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, 11 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối chuyển về thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố ước đạt 4,4 tỷ USD. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), năm 2014, trên phạm vi cả nước, kiều hối ước đạt hơn 12 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2013.
Kênh chuyển tiền hiện tại chủ yếu và phổ biến hiện nay vẫn là qua hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức chuyển tiền quốc tế như Western Union, Moneygram… Lượng kiều hối chuyển về nước tăng qua các năm gần đây chủ yếu là do ngành ngân hàng có nhiều chính sách khuyến khích người Việt Nam chuyển tiền về nước. Nhiều quy định về hoạt động ngoại hối cũng được đơn giản hóa như: bãi bỏ quy định về thuế, không hạn chế số lượng tiền, người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập, không bị bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng…
Nguy cơ "rửa tiền" qua lượng kiều hối chuyển qua đường phi chính thức về Việt Nam rất lớn |
Tuy thế, kết quả nghiên cứu về kiều hối vừa được CIEM công bố gần đây lại khiến nhiều người giật mình. Theo TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng CIEM thì lượng kiều hối vẫn thống kê hàng năm vài chục tỷ đô la chưa phản ánh đúng con số thực chất kiều hối “chảy” về Việt Nam, bởi có tới 25% kiều hối được chuyển về qua đường phi chính thức.
Tiền được chuyển về qua 2 kênh phi chính thức chủ yếu là nhờ người thân, quen cầm tiền từ nước ngoài về Việt Nam.
Kênh thứ 2, với tốc độ đô la hóa của Việt Nam hiện nay, chỉ cần một cuộc điện thoại giữa hai đầu mối gửi – nhận sẽ có người mang tiền tới tận tay người nhận. Hai kênh chuyển tiền này xuất hiện chủ yếu ở các thành phố lớn và các thương vụ chuyển tiền thường là nhỏ.
“Nguyên nhân của kênh chuyển tiền phi chính thức bắt nguồn chính từ cạnh tranh và phí. Phí rẻ và sự cạnh tranh về tính thuận tiện khiến hình thức chuyển tiền phi chính thức nở rộ”- ông Thành nói.
Tuy nhiên, theo Luật Phòng chống rửa tiền có hiệu lực từ năm 2012 thì tất cả hoạt động thanh toán chuyển tiền phải được cấp phép, còn những phương thức chuyển tiền không được cấp phép thì được đưa vào danh sách “bất hợp pháp”.
Bình luận về phương thức chuyển tiền ngầm, tiền phi chính thức, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, để “cắt đuôi” hoạt động chuyển tiền ngầm không hề dễ do thói quen “thích tiện lợi” của người Việt Nam. Bởi, theo quy định của NHNN, muốn chuyển tiền ra nước ngoài qua ngân hàng, người dân phải chứng minh mục đích chuyển tiền là hợp lý. Trong khi đó, nếu chuyển tiền qua thị trường phi chính thức, khách hàng không cần bất cứ loại chứng từ gì.
“Hoạt động ngân hàng ngầm rất khó phát hiện vì bản chất của hoạt động này gọi là chuyển tiền nhưng không có tiền qua biên giới, nhưng lại không phải khai báo bất kỳ thông tin gì nên “đất sống” của loại hình này vẫn còn rất rộng” – chuyên gia này đánh giá.