Thuốc lá, rượu bia khiến gánh nặng bệnh không lây nhiễm tăng
Tỷ lệ tử vong cao
TS Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết tại Việt Nam những bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành. Bên cạnh đó, những bệnh này có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được, vì vậy kiểm soát những yếu tố nguy cơ chung có thể phòng ngừa được đồng thời các bệnh.
Bệnh không lây nhiễm còn được gọi là “bệnh mạn tính” bởi vì quá trình hình thành bệnh diễn ra trong nhiều năm, thường là bắt đầu từ tuổi trẻ, bệnh tiến triển kéo dài, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời.
Đối với các bệnh không lây nhiễm thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển gồm: Yếu tố về hành vi lối sống như hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực. Các yếu tố nguy cơ về hành vi sẽ dẫn tới các biến đổi về sinh lý/chuyển hóa (hay còn gọi là yếu tố nguy cơ trung gian/tình trạng tiền bệnh) bao gồm: tăng huyết áp, thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loạn lipid máu. Sâu xa hơn, nguyên nhân gốc rễ sự gia tăng các yếu tố nguy cơ trên liên quan đến các yếu tố môi trường, kinh tế, xã hội…
Thuốc lá thủ phạm chính
Các nghiên cứu chỉ ra rằng một số yếu tố nguy cơ chung của các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính đó là thuốc lá, sử dụng rượu bia và dinh dưỡng không hợp lý.
Hút thuốc lá: Hút thuốc ước tính là nguyên nhân của 71% số trường hợp ung thư phổi; 42% số trường hợp bệnh phổi mạn tính; và 10% các bệnh tim mạch . Hút thuốc còn là yếu tố nguy cơ của một số bệnh nhiễm trùng như lao phổi và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Nhai sợi thuốc có thể gây ra ung thư khoang miệng, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch và một số bệnh lý khác.
Thuốc lá không những gây tác hại cho người trực tiếp hút thuốc mà còn gây tác hại cho những người hút thuốc thụ động. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 6 triệu người tử vong do thuốc lá, bao gồm cả do hút thuốc thụ động. Đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên đến 7,5 triệu người, chiếm khoảng 10% tổng số tử vong toàn cầu. Thuốc lá còn gây ra những tổn hại về kinh tế cho gia đình, đói nghèo và hủy hoại môi trường.
Sử dụng rượu, bia ở mức có hại: Rượu, bia và các đồ uống có cồn khác là chất gây nghiện, vì vậy WHO đã khuyến cáo để đảm bảo cho sức khỏe tốt nhất là không uống rượu, bia.
Theo khuyến nghị của WHO, nếu uống thì nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ngày (20g rượu nguyên chất) và nữ giới không nên uống quá 1 đơn vị rượu (10g) mỗi ngày . Tuy nhiên, mức độ sử dụng này vẫn được coi là có nguy cơ ở mức thấp với sức khỏe. Sử dụng rượu bia ở mức nguy cơ cao hơn gồm có uống ở mức có hại (Hazardous use of alcohol) và ở mức nguy hiểm.
Nghiện rượu bia là tình trạng lệ thuộc vào rượu bia được đặc trưng bởi sự thèm muốn, mất kiểm soát, tăng mức độ dung nạp, ảnh hưởng đến thể chất… Nghiện rượu được liệt kê vào nhóm rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng các chất tác động hướng thần (F10.2- ICD-10).
Sử dụng rượu, bia ở mức có hại là nguyên nhân chính hoặc là một trong những nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh tật và chấn thương theo phân loại bệnh tật quốc tế ICD10, trong đó 30 bệnh ngay trong tên gọi đã có từ rượu như “loạn thần do rượu” hay “rối loạn do rượu”. Điều này có nghĩa là 30 bệnh này hoàn toàn có thể tránh khỏi nếu người sử dụng không uống rượu, bia ở mức có hại.
Năm 2012 có 5,9% số trường hợp tử vong toàn cầu, tương đương 3,3 triệu người, là do sử dụng rượu, bia, trong đó phần lớn là hậu quả của các nhóm bệnh không lây nhiễm gồm: tim mạch, đái tháo đường (33,4%), 09 loại bệnh ung thư (12,5%), bệnh về hệ tiêu hóa (16,2%), chấn thương (25,8%) và rối loạn phát triển bào thai và các biến chứng sinh non do rượu (0,1%). Sử dụng rượu, bia ở mức có hại là nguyên nhân của 50% trường hợp tử vong do xơ gan, của 22% đến 25% trường hợp tử vong do ung thư răng miệng, hầu họng, thanh quản hay thực quản, 30% các trường hợp tử vong vì viêm tụy . Về gánh nặng bệnh tật, năm 2012 có 5,1% số năm sống hiệu chỉnh do bệnh tật (DALYs) (tương đương với 139 triệu năm sống) mất đi do sử dụng rượu, bia. Khác với tử vong, rối loạn tâm thần kinh là nhóm bệnh gây ảnh hưởng nặng nhất (24,6%), tiếp đến là chấn thương (30,7%), bệnh tim mạch và đái tháo đường (15,5%), ung thư (8,6%), chết chu sinh (6,8%) và các bệnh lây nhiễm (15,5%).