Thuốc lá gây tăng huyết áp như nào
Ảnh minh hoạ |
Theo Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt đột quỵ có liên quan tới mỡ máu tăng cao thường xuyên, trong đó 50% tử vong hoặc chấp nhận cuộc sống tàn phế suốt đời, nửa còn lại không bao giờ có được sức khỏe như khi chưa bao giờ bị bệnh. Và Tăng huyết áp được chỉ ra là nguyên nhân hàng đầu.
TS.BS Hà Anh Đức Giám đốc dự án “Đương đầu với bệnh Tăng huyết áp ở Việt Nam: Giải pháp từ y tế cơ sở” cho biết tăng huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng". Tăng huyết áp ở Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa. Theo số liệu của Viện tim mạch VN, năm 2008, là khoảng 25% số người trưởng thành, tuổi từ 25 trở lên, tức là cứ 4 người lại có 1 người, bị tăng huyết áp. Nhưng hiện nay con số có lẽ cao hơn.
Nguyên nhân của tăng huyết áp có nhiều trong đó có nguyên nhân do hút thuốc có thể làm tăng huyết áp một cách đột biến và tăng huyết áp tâm thu nhiều hơn 4 mm thủy ngân (mm Hg). Chất nicotine trong sản phẩm thuốc lá kích thích hệ thần kinh để tạo ra những hóa chất làm co mạch máu và làm tăng huyết áp.
Hút thuốc cũng gây tổn hại lâu dài cho mạch máu. Vì vậy, ngoài các nguy cơ làm cao huyết áp, thói quen kéo dài này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề như đột quỵ, bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, kết hợp giữa hút thuốc lá và cao huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ hoặc các tai biến tim mạch khác so với những người không hút thuốc bị cao huyết áp.
Người hút thuốc và uống rượu bia cần quan tâm đến sức khỏe tim mạch của mình vì cả hai thói quen trên sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tăng huyết áp (hay còn gọi là cao huyết áp) và có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch.
Phản ứng của cơ quan nhà nước trước thực trạng này cũng có từ rất sớm. 16 năm trước, năm 2002, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng phê duyệt lập Ban Chỉ đạo phòng chống nặng những loại bệnh không lây nhiễm, trong đó có tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, ung thư, bệnh về đái tháo đường, rối loạn tâm thần... Lúc đó, Bộ Y tế đã thành lập một Ban Chỉ đạo phòng chống các loại bệnh này. Đến năm 2012, Thủ tướng CP lại ban hành tiếp 1 quyết định nữa, thành lập một Ban dự án triển khai các dự án cụ thể về các bệnh tăng huyết áp, tim mạch mà trụ sở chính đặt tại Viện tim mạch VN.
Nhưng chính sách chưa đủ, vì còn phải phụ thuộc vào nguồn lực. TS Đức cho biết tăng huyết áp không quá khó để chẩn đoán, có thể dùng máy đo huyết áp để đo, cái này tuyến xã cũng có thể làm được. Rất đơn giản thôi, đo đúng cách, đo 2 lần cách 2 tuần để có chẩn đoán là tăng huyết áp hay không. Nhưng tại sao bệnh nhân tăng huyết áp của mình được phát hiện ít, thứ nhất là do kinh phí chương trình phòng chống tăng huyết áp do Viện tim mạch triển khai là quá ít, kinh phí thấp cho nên các công tác về kỹ thuật, biện pháp về sàng lọc cũng không được nhiều, độ bao phủ giờ mới đang thí điểm, ở 1.112 xã, chưa bằng 1/10 của 13 nghìn xã trên phạm vi toàn quốc. Như vậy, kinh phí mà chúng ta bỏ ra cho công tác sàng lọc thì còn rất thấp.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân. Nhận thức của người dân đối với bệnh tăng huyết áp còn rất hạn chế
Các bệnh không lây nhiễm hiện nay, gọi theo chuyên ngành là các bệnh mãn tính, có nghĩa bệnh sẽ theo mình suốt cả đời. Khi bị tăng huyết áp là xác định cả đời mình sẽ phải gắn liền với thuốc điều trị tăng huyết áp.
Chính vì vậy, ý thức của bệnh nhân rất quan trọng trong việc tuân thủ điều trị, tuân thủ hướng dẫn của người bác sĩ từ tập luyện, ăn uống cho đến uống thuốc ra sao.
Và những người nào làm tốt sẽ kiểm soát được bệnh, còn những người mà hôm nay huyết áp tăng thì uống thuốc, hôm sau huyết áp ổn định lại bỏ thuốc thì hậu quả về sau sẽ rất lớn. Phải xác định mình phải theo thuốc tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu suốt cả đời.
Và bệnh nhân tăng huyết áp bắt buộc phải bỏ thuốc lá.