Thuốc giả tuồn vào nhà thuốc, người tiêu dùng lãnh đủ
Các thuốc giả được sản xuất ra sẽ tuồn ra một chợ thuốc lớn nhất ở quận 10 TP.HCM và từng bước len lỏi vào các nhà thuốc ở các nơi rồi tới tay người tiêu dùng.
Khi bất ngờ kiểm tra một kho chứa hàng tại phường 4, quận 8, TP.HCM, các cơ quan chức năng đã phát hiện các nhóm đối tượng có hành vi sản xuất hàng giả là thuốc. Các đầu thuốc được làm giả như thuốc kháng sinh, trị ho, giảm đau, hen suyễn với 9.000 hộp.
Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra còn bắt giữ thêm các đối tượng với hơn 9.000 sản phẩm thuốc giả. Đáng báo động các thuốc này là thuốc phải có đơn của bác sĩ mới được bán cho người tiêu dùng.
Đại tá Lê Văn Bích, trưởng Công an quận 8, TP.HCM, cho biết qua điều tra cơ quan công an đã bắt giữ 7 đối tượng liên quan, trong đó, có 2 đối tượng cầm đầu trong đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả này.
Hiện cơ quan công an quận 8 phối hợp với quản lý thị trường và các lực lượng chức năng kiểm tra toàn bộ số thuốc mà cơ quan công an đang tạm giữ để có cơ sở xử lý các đối tượng liên quan.
Theo lời khai của các đối tượng, họ sản xuất thuốc giả chữa bệnh và đem bỏ mối cho các đại lý kinh doanh thuốc để tuồn vào cửa hàng, chợ thuốc ở TP.HCM và len lỏi vào các nhà thuốc.
Với số thuốc thu giữ là hơn 20 nghìn hộp thuốc tân dược được sản xuất giả có giá trị cả tỷ đồng.
Theo đại tá Bích, trong những tháng cuối năm này, cơ quan công an tiếp tục phối hợp với các lực lương chức năng tăng cường kiểm tra tập trung phòng ngừa các loại tội phạm và nắm tình hình tuần tra kiểm tra trấn áp các loại tội phạm đảm bảo an toàn cho người dân đón Tết.
Từ đầu năm tới nay, tại TP.HCM đã triệt phá hàng chục đường dây sản xuất và phân phối thuốc giả từ thuốc chữa bệnh như giảm đau, kháng sinh, thuốc đặc trị cần kê đơn cho đến các loại thuốc bổ như vitamin… thuốc có nguồn gốc từ đông dược thậm chí thực phẩm chức năng.
Theo PGS Nguyễn Hữu Đức – nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM, sử dụng thuốc giả vô cùng nguy hiểm vì thuốc giả khiến việc điều trị thất bại có thể nguy hiểm với người bệnh.
Ví dụ bạn đang điều trị bệnh và cần một hoạt chất nhưng thuốc giả thường không đúng hoạt chất hoặc hoạt chất không đủ hàm lượng do không chứa dược chất hoặc có chứa nhưng không đủ hàm lượng thì không có tác dụng chữa bệnh như bạn mong muốn.
Thậm chí, nguy hiểm hơn là thuốc giả chứa “sai hoạt chất” mà hoạt chất sai đó nếu là độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong.
PGS Đức cho biết, với người tiêu dùng rất khó để phân biệt thuốc nào là thuốc giả, thuốc nào là thuốc thật. Vì vậy, nếu bạn sử dụng thuốc điều trị mà không có chuyển biến hãy nghĩ tới khả năng bạn mua phải thuốc giả.
Một số loại thuốc quen thuộc thì người mua có thể nhìn và phân biệt được sự khác nhau giữa thuốc thật và thuốc giả như cách trình bày trên vỏ hộp thuốc, ký hiệu CQ, CR của sản phẩm, thuốc do nhà sản xuất,mã vạch có thể kiểm tra qua phần mềm.
Tuy nhiên, để kiểm tra thuốc thật thuốc giả thì người mua phải có kinh nghiệm. Trong cộng đồng, dược sĩ Đức cho rằng, đa phần người dân không có kinh nghiệm.
PGS Đức khuyến cáo tốt nhất là bạn nên mua thuốc ở nhà thuốc đạt chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP) càng tốt. Khi bạn mua thuốc nên chọn rõ cơ sở mua, tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi, bán kiểu trao tay, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước khi uống thuốc là thuốc dùng quen bạn cần xem kỹ bao bì, dạng bào chế (dạng viên nén, viên nang…), mùi vị thuốc khi uống. Nếu thuốc có thay đổi vỏ bao bì bạn cần kiểm tra và thông tin từ nhà sản xuất rõ ràng.
Khi bạn thấy sự khác biệt, khoan sử dụng thuốc mà tốt nhất nên đem đến nhà thuốc hỏi xem thuốc khác biệt. Đặc biệt là mùi vị của thuốc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)định nghĩa: "Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc.
Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả".
Khánh Chi