Thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá tại Việt Nam tăng “rụt rè”
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017 cho thấy, tỷ lệ thuế của Việt Nam trong giá bán lẻ thuốc lá chỉ hơn 35%, trong khi trung bình thế giới là gần 59%. Ví dụ như Thái Lan là 75%; Brunei 81%; Malaysia 57%; Đức 75%; Pháp 80%... Điều này khiến cho giá thuốc lá trung bình của Việt Nam đứng gần cuối bảng trong so sánh với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trong số các nước ASEAN, Thái Lan là một ví dụ điển hình của việc sử dụng chính sách thuế thuốc lá mạnh để nâng cao sức khỏe công cộng. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt tại Thái Lan tương đương mức thuế hơn 500% theo giá xuất xưởng như cách tính thuế tại Việt Nam.
TS. Chonlathan Visaruthvong, Cục thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính Thái Lan cho biết: Tỷ lệ thuế của Việt Nam trong giá bán lẻ thuốc lá chỉ 35% là rất thấp trong khi Thái Lan là 75%. Điều đó đồng nghĩa, với giá một đô la một bao thuốc thì có 74% Chính phủ thu, ngành công nghiệp thuốc lá chỉ có 26%. Việt Nam thì ngược lại, Chính phủ 35, ngành công nghiệp thuốc lá có đến 65%. “Tỷ trọng chênh nhau rất lớn, Chính phủ không thu được gì. Mức thuế tăng được coi là hiệu quả phải đảm bảo giá bán lẻ tăng và tiêu dùng giảm”.
Theo ông Prakit Vathesatogkit, người sáng lập quỹ Thai Health, từ năm 1989 đến nay, thuế thuốc lá tại quốc gia này đã tăng 11 lần; giá thuốc lá tăng từ 15 bath mỗi bao lên 65 bath mỗi bao (hơn 45.000 đồng). Điều này giúp giảm tỷ lệ người hút thuốc lá từ 32% năm 1991 xuống còn 19% vào năm 2017, tránh có thêm 7 triệu người hút. Trong khi đó sản lượng thuốc lá hàng năm vẫn giữ nguyên ở mức 2.000 triệu mỗi năm.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, theo ước tính của WHO và Ngân hàng Thế Giới, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển. Còn ở người nghèo và lớp trẻ giảm tiêu thụ nhiều hơn. Cụ thể, khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc. Theo điều tra của Ngân hàng thế giới trên phạm vi toàn cầu khi tăng thuế thuốc lá 10% sẽ làm tăng thu thuế Chính phủ trung bình khoảng 7%.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam |
Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada (HealthBridge Canada) tại Việt Nam cho rằng, lý do dẫn tới hàng triệu người dùng thuốc lá ở Việt Nam là tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ của Việt Nam ở ASEAN chỉ cao hơn Campuchia. Theo số liệu thống kê của WHO năm 2013, Việt Nam có tỷ lệ là 41,6% trong khi Brunei là 81%, Singapore là 71%, Thái Lan là 70%...
“Tỷ lệ thuế nên chiếm 2/3 hoặc 4/5 giá bán lẻ như một số nước khác để kìm sức mua trong nước. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng thuế thuốc lá phải xem xét những tác động đến xã hội cũng như các doanh nghiệp thuốc lá trong nước”, bà Hoàng Anh nhấn mạnh.
Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất hai phương án sửa đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với mặt hàng thuốc lá. Theo đó, phương án 1 là áp dụng thu thuế theo phương pháp hỗn hợp (thu theo thuế suất tỷ lệ như hiện nay và thuế suất tuyệt đối). Bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng mỗi bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng một điếu xì gà. Quy định này áp dụng từ năm 2020.
Phương án 2: Tăng thuế suất thuế theo lộ trình, năm 2020 tăng từ 75% lên 80%, một năm sau tăng lên mức 85%. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện nay là 70% (áp dụng từ năm 2016 đến 2018); đến năm 2019 sẽ tăng lên 75%.
Trước 2 phương án này, Bộ Y tế đã ủng hộ phương án 1, tuy nhiên Bộ Y tế đề xuất thu thêm mỗi bao thuốc lá 2.000-5.000 đồng thay vì 1.000 như đề xuất. Lý giải điều này, bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho rằng càng tăng thuế thì Chính phủ càng có nguồn thu, giá bán lẻ thuốc lá cao thì thanh thiếu niên, người nghèo không có tiền mua sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc lá.
Cùng chung quan điểm này, ông Đào Thế Sơn, Giảng viên Đại học Thương mại bày tỏ, mức 1.000 đồng quá thấp, nên tăng thêm 2.000-5.000 đồng. Việt Nam hiện tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá xuất xưởng, giá này chỉ chiếm 35%-40% giá bán lẻ. Vì thế, với mức thuế tiêu thụ đặc biệt đã tăng lên 70% như hiện nay thì giá bán lẻ một bao thuốc lá 10.000 đồng cũng chỉ thêm 300 đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá thời gian tại nước ta tăng rất chậm, tăng “rụt rè ”. Mỗi lần chỉ tăng 5% lại cách nhau khá xa. Tỷ lệ thuế và giá bán thấp là nguyên nhân chính khiến lượng người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam lớn.