Thực phẩm giúp giảm thiểu tác hại hút thuốc lá thụ động
Dòng khói phụ tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy hoà trộn với khói chính người hút thuốc lá nhả ra tạo thành “khói thuốc lá tỏa ra môi trường” hay còn gọi là “khói thuốc lá thụ động” và hành động hít phải khói thuốc lá này được gọi là “hút thuốc lá thụ động”.
Theo WHO, khói thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút mà còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh, khiến những người tuy không hút thuốc thường xuyên nhưng hít phải khói thuốc cũng sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc. Kết quả nghiên cứu của WHO chỉ ra: khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc mà người hút thuốc thải ra không khí xung quanh gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc lá nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu thuốc/ngày.
Để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của khói thuốc lá, khi bất đắc dĩ phải có mặt trong một môi trường bị ô nhiễm bởi khói thuốc lá, người phụ nữ nên thường xuyên sử dụng một số loại thực phẩm có khả năng giải độc cho cơ thể. Các loại thực phẩm này có thể liệt kê thành hai nhóm như sau:
Rau quả và trái cây
Cung cấp cho cơ thể các chất chống oxy hóa, vitamin A, C, E, chất khoáng vi lượng thiết yếu, chất xơ, giúp cơ thể đào thải các chất độc ra ngoài.
- Cà rốt, cà chua, cà tím, bí đỏ, hành tây, măng tây, tỏi tây, tỏi ta, củ hành tím, bông cải xanh, atisô, cải xoăn, cải bắp xanh, cải bắp tím, cải bó xôi, củ cải trắng, củ cải đường, rau bồ ngót, rau lang, rau mồng tơi, rau đay, mướp hương, đậu bắp, rau má, mướp đắng, củ sen, tảo xanh, cải cúc, xà lách soong, cần tây, dưa hấu, dưa leo, giá đậu, ớt chuông…
- Các loại trái cây có ích cho việc giải độc, bảo vệ lá phổi nói riêng, và sức khỏe nói chung: Lê, táo tây, táo đỏ, dâu tằm, dâu tây, mâm xôi, mơ, lựu, sơ ri, các loại có múi (bưởi, cam, quýt, phật thủ…), khế, xoài chín, bơ, thanh long, chuối…
- Các loại ngũ cốc và đậu: Gạo lứt, kê, yến mạch, kiều mạch, mầm lúa mì, mạch nha, bắp tím, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành, đậu ván, đậu cô ve, khoai lang đỏ, khoai tía, khoai mài…
- Các loại nấm: mộc nhĩ đen, mộc nhĩ trắng, nấm hương, nấm rơm, nấm bào ngư, nấm kim chi…, cùng với rong biển, mật ong…
- Các loại thực phẩm có chứa chất béo Omega-3: dầu ô-liu, dầu mè, dầu hướng dương, cá hồi, cá thu, cá trích, cá nục, cá mòi, cá tầm…
- Các loại hạt: hạt bí đỏ, hạt mè, hạt hướng dương, quả óc chó, hạnh nhân…
Thực phẩm uống
- Lá trà xanh và một số chế phẩm từ cây chè được ghi nhận có tác dụng tốt trong việc giúp cơ thể giải độc, phòng chống nhiều loại bệnh tật, kể cả ung thư. Nước trà xanh có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường chức năng giải độc của gan.
Một số loại thức uống khác như trà hoa cúc, trà hoa quỳnh, hoa ngâu, hoa sói, trà sen, hà thủ ô, atisô…đều có tác dụng tốt cho cơ thể.
Ngoài việc sử dụng các nhóm thực phẩm trên, hàng ngày, bạn cần chăm sóc kỹ lưỡng các bộ phận của hệ hô hấp như sau:
- Nên súc miệng và cổ họng bằng nước muối ấm mỗi tối trước khi đi ngủ.
- Thường xuyên mở cửa phòng ngủ để không khí lưu thông.
- Không nên uống nước lạnh như đá, nước ngọt ướp lạnh, kem lạnh… vào buổi chiều tối. Tốt nhất, nên uống nước đun sôi để nguội, mỗi ngày khoảng hai lít nước hoặc nhiều hơn.
Bên cạnh đó còn có các loại nước uống:
- Nước lê-mật ong: Lê 1 quả, bỏ hạt, cắt nhỏ, cho thêm ít mật ong vào, đem chưng cách thuỷ, ăn lê và uống nước.
- Nước gừng-mật ong: Gừng 50g, mật ong đủ dùng. Gừng sắc lấy nước, cho mật ong vào khuấy đều. Mỗi lần uống 20ml, ngày uống 2 lần.
- Nước mía đỏ: Mía đỏ 300g, gừng 3 lát mỏng. Mía đỏ chẻ đôi, xếp gừng vào phần ruột mía sau đó kẹp 2 phần lại, buột chặt, nướng trên than hồng. Khi mía đã nóng đều thì ép lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày.
- Trà gừng-nho-mật ong: Chè xanh 10g, nho tươi 100g, gừng tươi 20g, mật ong 20g. Nho và gừng rửa sạch xay nhuyễn vắt lấy nước. Chè xanh rửa sạch, hãm bằng nước sôi, chắt lấy nước. Trộn chung nước nho, nước gừng, nước trà và mật ong rồi khuấy đều, chia 3 lần trong ngày. Uống lúc còn ấm nóng.