Thực hư việc Taliban có thể cấm nhạc Pop ở Afghanistan
Một tháng sau khi các đại diện của phong trào Taliban lật đổ chính quyền ở Afghanistan, các phòng hòa nhạc bắt đầu đóng cửa và các buổi biểu diễn âm nhạc thực tế cũng đã ngừng hoạt động ở nước này.
Lần cuối cùng Taliban nắm quyền một quốc gia là vào cuối những năm 1990, khi đó lực lượng này đã cấm hoàn toàn âm nhạc. Lần này, chính phủ do Taliban tạo ra vẫn chưa chính thức công bố các bước đi như vậy.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu chính quyền Taliban có cấm âm nhạc một lần nữa hay không. Phó phát ngôn viên của Taliban, ông Bilal Karimi nói với hãng tin AP rằng: “Vấn đề này hiện đang được xem xét và khi có quyết định cuối cùng, chúng tôi sẽ công bố”.
Chính phủ và chế độ mới tại Afghanistan đang tác động một cách tàn khốc đến nền âm nhạc đang trên đà phát triển cũng như các nghệ sĩ của đất nước này. (Ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, các nhạc sĩ Afghanistan lo ngại lệnh cấm sẽ sớm có hiệu lực và một số chiến binh Taliban đã bắt đầu tự áp đặt các quy định mới như quấy rối các nhạc sĩ và đóng cửa các địa điểm biểu diễn.
Theo ghi nhận, nhiều địa điểm tổ chức đám cưới bị hạn chế việc sử dụng âm nhạc trong các buổi lễ. Các nhạc sĩ không chỉ ngại biểu diễn mà còn không thích xuất hiện trước công chúng với các nhạc cụ.
Một nhạc sĩ cho biết, các chiến binh Taliban đã đập vỡ cây đàn trị giá khoảng 2.000 USD của anh. Ngoài ra, các tài xế buộc phải tắt radio trong ô tô khi nhìn thấy một trạm kiểm soát của Taliban.
Tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Afghanistan, hầu như tất cả các phòng học hiện đang bỏ trống. Không một giáo viên nào, không một học sinh nào trong số 350 học sinh trở lại đây kể từ khi Taliban nắm chính quyền.
Tại đây từng là học viện nổi tiếng về đào tạo âm nhạc và trở thành bộ mặt của nền âm nhạc Afghanistan. Hiện nó được bảo vệ bởi các chiến binh thuộc Mạng lưới Haqqani - một nhánh của phong trào cực đoan Taliban.
Bên trong Học viện, AP ghi nhận, những bức ảnh chụp các chàng trai và cô gái chơi nhạc cụ vẫn treo trên tường, những cây đàn piano đầy bụi được đặt trong các căn phòng bị khóa và một số nhạc cụ được xếp trong thùng trên sân trường. Các chiến binh bảo vệ Học viện cho biết, họ đang chờ lệnh từ ban quản lý về việc phải làm gì với số nhạc cụ này.
Trong những con hẻm của Kharabat, một khu phố ở Kabul, nơi sinh sống của những gia đình mà âm nhạc là một nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mọi người đang tìm cách rời bỏ đất nước.
Nghề này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của nền kinh tế Afghanistan và đại dịch Covid-19. Một số gia đình hiện đang phải đem bán đồ nội thất để sống qua ngày.
Anh Muzafar Bakhsh, 21 tuổi, thành viên của một nhóm nhạc địa phương, cho biết: “Tình hình hiện tại thật đáng buồn. Gia đình tôi gần đây đã bán phần lớn tài sản”.
“Chúng tôi tiếp tục phải làm vậy để không chết đói”, anh Muzafar Bakhsh, người có ông nội quá cố là Ustad Rahim Bakhsh, một nhạc trưởng nổi tiếng về âm nhạc cổ điển Afghanistan nói thêm.
Afghanistan có nền âm nhạc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của âm nhạc cổ điển Iran và Ấn Độ. Trong 20 năm qua, nhạc Pop nguyên bản đã xuất hiện nhiều trong nước, chúng được kết hợp với các nhạc cụ điện tử và nhịp điệu truyền thống của Afghanistan.
Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên trường học nghiêm trọng
Khi các trường học mở cửa vào đầu năm học ở Mỹ, các nhà quản lý giáo dục nước này phải đối mặt với một vấn đề mới đó là tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên.
Thanh Bình (lược dịch)