Thế giới đã tìm ra cách để cứu Afghanistan?
Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực cứu hàng triệu người Afghanistan khỏi nạn đói và tìm cách góp phần hồi phục nền kinh tế của đất nước Nam Á này.
Tuy nhiên, theo CNBC, chính phủ các nước phương Tây và các quốc gia khác không muốn viện trợ tài chính của mình rơi vào tay Taliban. Cuối cùng, các nhà tài trợ đã quyết định đạt được mục tiêu này bằng cách chuyển tiền cho các tổ chức tư nhân trong nước mà không có sự tham gia của chính quyền mới.
Hiện tại, 14 trong số 40 triệu người dân Afghanistan đang thiếu lương thực. Liên Hợp Quốc cho biết, tổ chức này sẽ cần 200 triệu USD để cung cấp viện trợ nhân đạo cho Afghanistan.
Sau 20 năm chìm trong xung đột, Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. (Ảnh: Reuters) |
Đầu tháng 9, tại một hội nghị ở Geneva, các thành viên Liên Hợp Quốc đã quyết định phân bổ hơn 1 tỉ USD cho Afghanistan. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng, nguồn cung cấp lương thực ở Afghanistan có thể cạn kiệt vào cuối tháng 9.
Ông Guterres cũng nhấn mạnh, “thực tế là không thể cung cấp viện trợ nhân đạo cho Afghanistan mà không có sự tương tác với chính quyền”.
Trong khi đó, ngay sau khi tiến vào Kabul, Taliban đã vạch ra các chính sách về viện trợ quốc tế, trong đó thành lập một Ủy ban giám sát nguồn viện trợ nhằm theo dõi việc các cơ quan đăng ký viện trợ trong nước, cũng như thực thi quy tắc ứng xử của Taliban đối với các tổ chức này bao gồm các khía cạnh như thuế, tính trung lập chính trị (đảm bảo rằng nhân viên cứu trợ không phải là gián điệp) và tôn trọng văn hóa Afghanistan.
Tuy nhiên, cộng đồng thế giới lo ngại rằng chính phủ mới sẽ chiếm đoạt một phần hoặc hoàn toàn số tiền nhận được.
“Taliban kiểm soát hải quan và thuế. Một tháng trước lực lương này đã tham gia tống tiền, tôi không nghĩ họ sẽ thay đổi”, ông Alex Zerden, cựu tùy viên tài chính của Bộ Tài chính tại Đại sứ quán Mỹ ở Kabul cho biết.
Hơn nữa, Taliban gần đây đã công khai việc hỗ trợ thông qua buôn bán thuốc phiện, tống tiền và khai thác khoáng sản bất hợp pháp ở Afghanistan. Ngoài ra, một phần tư số ngân hàng của đất nước này thuộc sở hữu nhà nước, cũng như Ngân hàng Trung ương, có nghĩa là mọi dòng tiền phân bổ trên đất nước đều nằm dưới sự kiểm soát của Taliban.
Nhưng các nhà tài trợ nước ngoài vẫn tìm mọi cách để ngăn chặn việc chính phủ mới sử dụng tiền sai mục đích. Một trong số đó là việc giao thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu khác chứ không phải tiền. Cách này đã được Qatar, Trung Quốc, Iran và Pakistan hứa hẹn sẽ sử dụng.
Một cách khác là gửi tiền vào các ngân hàng tư nhân ở Afghanistan thay vì ngân hàng nhà nước và đây là cách của Liên Hợp Quốc sẽ triển khai. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho nước này mà bỏ qua Taliban.
“Bộ Tài chính Mỹ đã cấp giấy phép đặc biệt cho các cơ quan chính phủ nước này bao gồm các nhà thầu và những người nhận tài trợ để tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan bất chấp các lệnh trừng phạt chống lại Taliban. Theo chính quyền Mỹ, sự hỗ trợ này sẽ không thông qua chính phủ mà thông qua các tổ chức độc lập”, Ngoại trưởng Antony Blinken nói.
Liên Hợp Quốc cũng cho biết, “họ sẽ tiến hành giám sát thường xuyên để đảm bảo trách nhiệm và nâng cao chất lượng các chương trình hỗ trợ của các mạng lưới đối tác địa phương”.
Nền kinh tế Afghanistan trong quá khứ phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài. Trước khi Taliban lên nắm quyền, 80% ngân sách được bổ sung từ các quỹ của Mỹ và các nhà tài trợ phương Tây khác, trong khi một nửa đất nước sống dưới mức nghèo khổ.
Một tháng sau khi Taliban lên nắm quyền, Afghanistan đang đứng trên bờ vực của thảm họa - hàng triệu người bắt đầu chết đói trong bối cảnh thiếu lương thực, thiếu USD và hàng nhập khẩu.
Chính phủ mới cho phép viện trợ nhân đạo và nhận tiền từ nước ngoài, tuy nhiên đang thể hiện thái độ thù địch đối với các tổ chức tài chính trên thế giới.
Taliban gần đây đã “xóa sổ” một cơ quan chính phủ điều tra rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Afghanistan khỏi máy chủ quốc tế. Giờ đây, các quốc gia khác không có quyền truy cập vào dữ liệu về hoạt động tài chính bất hợp pháp của Afghanistan.
Các cường quốc hạt nhân châu Á ra tuyên bố ‘nóng’
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và Trung Quốc thông báo đã đạt được tiến bộ trong việc giải quyết những thách thức do đụng độ biên giới gây ra.
Thanh Bình (lược dịch)