Thực hư Taliban cấm âm nhạc, không cho phụ nữ lên sóng truyền hình
Theo tờ Pajhwok Afghan News, tại tỉnh Ghazni của Afghanistan, đại diện của Taliban đã ra lệnh cấm phát sóng các tác phẩm âm nhạc.
Ngoài ra, việc tuyển dụng phụ nữ trong các đài phát thanh địa phương là bất hợp pháp ở tỉnh này.
Trước đó, theo truyền thông, Taliban đã cho phép phụ nữ Afghanistan cơ hội làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Đặc biệt, phụ nữ được phép lên sóng các chương trình trên truyền hình.
Taliban muốn chứng tỏ họ đang thay đổi, tuy nhiên vẫn còn nhiều người hoài nghi về những lời hứa của lực lượng này. (Ảnh: AP) |
Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, một thủ lĩnh hàng đầu của lực lượng Taliban đã chấp nhận ngồi trả lời phỏng vấn trực tiếp cùng một nữ phóng viên truyền hình Afghanistan vào hôm 17/8.
Theo Bussiness Insider, cuộc phỏng vấn giữa người dẫn chương trình Beheshta Arghand và người phát ngôn của Taliban Mawlawi Abdulhaq Hemad được kênh tin tức địa phương Afghanistan TOLO News tuyên bố là lần đầu tiên một phụ nữ nước này được phép thực hiện cuộc phỏng vấn với một quan chức cấp cao Taliban.
Trên sóng truyền hình, nữ phóng viên Arghand ngồi đối diện, chỉ cách thủ lĩnh Hemad vài bước chân. Cô đã hỏi ông về việc Taliban đang lục soát từng ngôi nhà ở Kabul thủ đô và tình hình chung trên đất nước.
Trong một diễn biến khác, New York Post dẫn lời một cựu thẩm phán của Afghanistan tên là Najla Ayoubi cho biết, các tay súng Taliban đã thiêu sống một phụ nữ ở miền Bắc Afghanistan hôm thứ 5 (19/8) sau khi bị ép phải nấu ăn nhưng không vừa miệng các chiến binh này.
“Các tay súng Taliban đang ép người dân cung cấp thức ăn và nấu cho họ ăn. Một phụ nữ đã bị Taliban châm lửa đốt vì bị cáo buộc là nấu ăn dở”, bà Ayoubi nói. Đồng thời, mô tả tình hình ở Afghanistan là một “cơn ác mộng”.
Theo bà Ayoubi, bà buộc phải chạy trốn để bảo toàn tính mạng khi Taliban kiểm soát Afghanistan. Là một người ủng hộ quyền phụ nữ ở Afghanistan, bà Ayoubi cho hay, trong vài tuần qua có rất nhiều cô gái trẻ bị Taliban bán sang các nước láng giềng để làm nô lệ tình dục.
“Taliban cũng ép các gia đình phải gả các bé gái còn nhỏ tuổi cho các chiến binh. Tôi không thấy cam kết của họ rằng phụ nữ có thể đi làm ở đâu khi chúng ta đang chứng kiến tất cả những hành động tàn bạo này”, bà Ayoubi nói thêm.
Cũng theo bà Ayoubi, mặc dù Taliban tuyên bố họ đã thay đổi và sẽ đảm bảo các quyền của phụ nữ, không thực hiện các cuộc trả thù tàn khốc nhưng trong vài ngày đầu tiên kể từ khi tiếp quản, thế giới đã chứng kiến Taliban công khai hành quyết một cựu cảnh sát trưởng và cộng tác viên của các nhà báo trong số những người bị giết vì “bất đồng chính kiến” với nhóm Hồi giáo cực đoan này.
Hàng triệu phụ nữ Afghanistan vẫn đang lo sợ về cuộc sống dưới chế độ mới của Taliban. Trong đó, nhiều nữ nhà báo Afghanistan được cho là đã buộc phải lẩn trốn, rời khỏi nhà và tiêu hủy bằng chứng về công việc.
Dưới thời kỳ Taliban cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, quyền của phụ nữ bị hạn chế nghiêm trọng. Họ bị cấm học tập và làm việc, hiếm khi được phép ra khỏi nhà và bị tấn công dữ dội nếu bắt gặp ở nơi công cộng mà không che mặt. Trẻ em gái cũng không được đi học.
Các tổ chức nhân quyền và Liên Hợp Quốc cũng đã báo cáo về việc các quan chức Taliban có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, ông đặc biệt lo ngại về các vụ vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan trong thời gian gần đây.
Ông Trump: Quân đội Mỹ có thể trở lại Afghanistan
Cựu Tổng thống Donald Trump mới đây cho biết, quân đội Mỹ phải sẵn sàng quay trở lại Afghanistan.
Thanh Bình (lược dịch)