Thực hư gừng, tỏi, sả phòng, chống Covid- 19
Gừng, tỏi, sả là những gia vị quen thuộc, ngoài ra chúng còn là những vị thuốc có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng phòng, chống Covid - 19. Tuy nhiên, các trường hợp nặng cần phải được chữa trị bằng y học hiện đại.
Thực hư gừng, tỏi, sả phòng, chống Covid- 19 (ảnh minh hoạ) |
Trước thông tin các vị thuốc tự nhiên như gừng, sả tươi, tỏi, chanh... có hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe và điều trị khi mắc Covid-19 khiến người dân TP HCM đổ đi mua các mặt hàng này với số lượng lớn. Những ngày qua các kệ hàng bày bán các mặt hàng này ở nhiều siêu thị, cửa hàng bách hóa đều trống trơn.
Vậy thực hư gừng, sả, tỏi có tác dụng phòng, chữa bệnh Covid-19?
Trao đổi với phóng viên Infonet, TS - lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, cùng với các biện pháp khác, việc tăng đề kháng, tạo miễn dịch cộng đồng từ y học tự nhiên là rất cần thiết để phòng ngừa Covid-19.
Không khẳng định những vị thuốc này chữa khỏi Covid- 19 nhưng TS - lương y Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh, các dược liệu trong phòng chống virus có nhiều vị khác nhưng đây là những món ăn vị thuốc tiện lợi, dễ lấy (dân trồng nhiều), dễ sử dụng có tác dụng hỗ trợ rất tốt trong phòng chống virus nói chung trong đó có virus SARS- CoV-2.
TS Phùng Tuấn Giang còn tư vấn thêm các phương pháp hỗ trợ phòng chống virus mỗi ngày như: Trà tăng miễn dịch, thức uống tăng miễn dịch chống virus, món ăn bài thuốc, ngâm tắm, chườm thảo dược, xông mỗi ngày…
“Trường hợp người mắc Covid- 19 ở thể nhẹ không biểu hiện (nếu cấp tính bắt buộc phải điều trị bằng y học hiện đại) có thể áp dụng các phương pháp tự nhiên trong đó ăn uống và xông nhà mỗi ngày là đơn giản, dễ thực hiện nhất. Nếu chỉ để dự phòng thì tần suất dùng giảm đi một nửa. Lúc này người dân chỉ cần xông 2 lần/tuần thay vì xông hàng ngày. Trong các bữa ăn, nên bổ sung các loại rau thơm như húng quế, diếp cá, tía tô, kinh giới, hành, mùi… nấu ăn với các gia vị tỏi, sả, gừng… để vừa phòng bệnh, hỗ trợ điều trị bệnh.”, TS Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh.
Nếu các loại thảo dược này khan hiếm, TS. Phùng Tuấn Giang hướng dẫn người dân có thể thay thế bằng những sản phẩm chứa tinh dầu như sả, húng quế, bạc hà, tràm dùng xông.
TS. Phùng Tuấn Giang cũng chia sẻ công thức nước uống dễ làm từ những gia vị có sẵn trong bếp để hỗ trợ phòng chống Covid- 19. Loại thức uống này người lớn, trẻ em đều có thể dùng được mỗi ngày.
Nguyên liệu gồm:
Gừng 50g, tỏi 50g, nghệ 50g, thì là 50g, nước cốt chanh 50ml, sả 50g, giấm táo 50ml, mật ong 200ml
Cách làm:
Bước 1: Thái nhỏ các nguyên liệu gừng, tỏi, nghệ, thìa là, sả; vắt chanh lấy 50ml nước cốt.
Bước 2: Xay nhỏ các nguyên liệu đã thái với nước cốt chanh, giấm táo bằng máy xay sinh tố.
Bước 3: Đổ hỗn hợp đã xay, mật ong vào nồi, đun nhỏ lửa cho đến khi sôi 5 phút. Sau đó để nguội.
Bước 4: Lọc hỗn hợp lấy nước, đun sôi lại lần nữa. Sau đó đổ vào dụng cụ tiệt trùng (chai, lọ thủy tinh hoặc sứ).
Cách dùng: Mỗi lần dùng 5ml, ngày dùng 3 – 4 lần. Có thể dùng ngay hoặc pha loãng với nước ấm.
Bảo quản: Đóng kín, dán tem nhãn (tên, ngày sản xuất) để ngăn mát tủ lạnh.
Công dụng: Tăng miễn dịch, kích thích tiêu hoá, làm ấm cơ thể, bổ sung các loại vitamin, ức chế virus, phòng tránh cảm cúm và làm sạch mạch máu.
Nhấn mạnh việc làm ấm cột sống hàng ngày để phòng bệnh rất quan trọng, TS. Phùng Tuấn Giang hướng dẫn người dân dùng nước nóng già xả trực tiếp vào vùng cột sống hoặc dùng máy sấy sấy nóng hay túi chườm thảo dược vào cột sống (chú ý không để quá nóng dẫn đến bỏng da). Trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho thì dùng chanh xát vùng ngực cổ, đắp khăn ấm vào trán sẽ giúp hạ sốt nhanh.
“Phương pháp dùng chanh hạ sốt (xát chanh, đắp lát chanh lên vùng cổ, ngực, trán, khuyủ tay, sống lưng…) đã được sử dụng từ lâu trong dân gian và đem lại hiểu quả tốt, nhất là đối với trẻ em.
Không chỉ ở Việt Nam mà các nước phương tây cũng thường xuyên áp dụng phương pháp xát chanh để hạ sốt. Đã có những nghiên cứu chứng minh tác dụng hạ sốt với chanh, lá chanh được công bố.
Ngoài ra, không chỉ có tác dụng hạ sốt, chanh còn có tác dụng sát khuẩn, kháng virus. Khi đeo khẩu trang thì vùng cổ là vùng phơi nhiễm nguồn bệnh, do thói quen khi bỏ khẩu trang để làm việc gì đó như ăn uống. Do đó, việc xát chanh cũng giúp vùng tiếp xúc trực tiếp không khí được đảm bảo sạch sẽ và hạn chế sự xuất hiện của mầm bệnh”, TS. Phùng Tuấn Giang cho hay.
Mặc dù trên đây là cách phòng bệnh đơn giản từ trong gian bếp nhằm hỗ trợ phòng chống dịch Covid- 19 nhưng TS. Giang cũng nhấn mạnh người dân phải tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Đồng thời nếu có những dấu hiệu trở nặng cần phải thông báo tới cơ sở y tế để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.
N. Huyền