Thúc đẩy hợp tác tài chính giữa Việt Nam và New ZeaLand
Sáng 29/10, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Grant Robertson - Bộ trưởng Tài chính New ZeaLand cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay, hai bên còn nhiều tiềm năng phát triển do đều tham gia các Hiệp định thương mại quan trọng như ASEAN - Úc - New Zealand; CPTPP.
New Zealand hiện là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Việt Nam (kim ngạch thương mại song phương đạt 1,034 tỷ USD năm 2018) và đang hướng đến đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước lên mức 2,5 tỷ đô la New Zealand (tương đương 1,7 tỷ USD) vào năm 2020 như mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 16 của New Zealand.
Trong lĩnh vực hợp tác tài chính song phương, Việt Nam và New Zealand đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và đang trong quá trình thực thi Hiệp định. Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa cơ quan hải quan 2 nước cũng đã có những bước phát triển tích cực, Cơ quan hải quan New Zealand đã cử chuyên gia hỗ trợ Hải quan Việt Nam phát triển chương trình doanh nghiệp ưu tiên và phối hợp với Hải quan Việt Nam tổ chức hội thảo về phân loại thuế quan.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Bộ Tài chính Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - New Zealand đi vào chiều sâu, thực chất và hướng tới quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới.
Chia sẻ những nét khái quát về kinh tế Việt Nam thời gian qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, GDP ước tăng trưởng đạt 6,98% là mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 382,72 tỷ USD, cán cân thương mại ước xuất siêu 5,9 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 77,5% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2018. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10,97 tỷ USD, tăng 26,4% về số dự án so với cùng kỳ năm 2018.
Bộ trưởng cũng cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trong trong phát triển kinh tế, vì vậy trong 9 tháng đã có 102.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Nhận định về tình hình kinh tế thế giới, Bộ trưởng cho biết, tăng trưởng toàn cầu dự báo tốc độ sẽ chậm lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó chủ đạo là xu hướng bảo hộ và căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng và lan rộng.
Vì vậy, để duy trì đà tăng trưởng trong ngắn hạn và phát triển các động lực tăng trưởng mới, Bộ trưởng khẳng định: Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố các nền tảng để đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đảm bảo duy trì lạm pháp trong phạm vi đề ra, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ thể chế, phát triển đồng bộ thị trường tài chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Về vấn đề thực thi Hiệp định CPTPP, Bộ trưởng cho biết: Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 đối với Việt Nam. Ngày 26/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặt biệt để thực hiện Hiệp định CPTPP và hàng hóa đủ điều kiện áp dụng ưu đãi CPTPP được thực hiện hồi tố trở lại từ ngày 14/01/2019 là thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Bộ Tài chính New Zealand tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính Việt Nam xây dựng các nội dung hợp tác thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu và lợi thế của từng bên, hướng tới ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính New Zealand, làm cơ sở nền tảng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand.
Chia sẻ về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, ông Grant Robertson cho rằng, New ZeaLand và Việt Nam đã có bước phát triển lớn mạnh hơn rất nhiều được thể hiện qua các cam kết của hai nước trong các Hiệp định đa phương như: Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Ôt-xtrây-lia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang nỗ lực để có thể kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực ASEAN và 6 đối tác (RCEP), qua đó tạo nền tảng để hai nước phát triển cũng như là cơ sở hợp tác song phương giữa hai quốc gia.
Ông Grant Robertson cho biết, năm 2020 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng là năm mà Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN. Vì vậy, ông cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới, trở thành quan hệ đối tác chiến lược nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ truyền thống sẵn có, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.