Thừa Thiên Huế: Xử lý 100% số vụ, đường dây hoạt động mại dâm được phát hiện
Kế hoạch số 50/KH-UBND của Thừa Thiên Huế được ban hành với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội của người bán dâm; giảm tội phạm liên quan đến mại dâm.
Ảnh minh họa |
Các chỉ tiêu cụ thể mà kế hoạch đưa ra là:
100% người dân được tuyên truyền, giáo dục về tệ nạn mại dâm để nâng cao nhận thức, nhận biết được tác hại và ảnh hưởng của tệ nạn mại dâm đến đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận trong phòng, chống mại dâm và có thái độ, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.
Đến năm 2017: 50%, năm 2020: 100% các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người.
50% các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai thực hiện được các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm; Đến năm 2020: xây dựng 01 mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm tại thành phố Huế.
Đấu tranh, triệt phá, xử lý 100% số vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm được phát hiện, giảm 60-80% số cơ sở kinh doanh dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, cơ sở karaoke...và các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm khác) hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức.
Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm. 100% cán bộ trực tiếp được tập huấn về tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 của Bộ LĐTBXH - Bộ Công an - Bộ VHTT và UBMTTQ Việt Nam quy định và hướng dẫn nội dung hoạt động, phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy. Phấn đấu đạt khoảng 75-80% xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch phòng chống mại dâm tại địa phương.
Để đạt được các mục tiếu trên, Thừa Thiên Huế sẽ tiến hành các giải pháp thực hiện cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Chính quyền trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng, chống mại dâm trong toàn xã hội.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thứ 4, xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.
Thứ 5, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, triệt phá ổ nhóm hoạt động mại dâm.
Thứ 6, Nâng cao năng lực bộ máy cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm.
Thứ 7, Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội:
- Huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng trong việc lập kế hoạch và triển khai các hoạt động với mục tiêu xây dựng cộng đồng lành mạnh không có tệ nạn mại dâm. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với các hình thức phù hợp kết hợp thực hiện phong trào xây dựng gia đình, cơ quan văn hóa; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm.
- Thực hiện chính sách an sinh xã hội, chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp các dịch vụ tư vấn, trợ giúp xã hội rộng khắp, nhất là ở cấp xã nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và các cá nhân trong công tác này.
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã; xây dựng quy chế phối hợp trong Ban Chỉ đạo với các cơ sở sản xuất, dịch vụ, cơ sở trường học trên địa bàn; xây dựng các thiết chế cộng đồng liên quan đến phòng, ngừa, giảm hại bởi tệ nạn mại dâm; giám sát, đánh giá định kỳ Kế hoạch phòng, chống mại dâm.