Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Koichi Miyata, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) kiêm Chủ tịch Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cho biết đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đang phát triển mạnh, Thủ tướng đánh giá cao Ngân hàng SMBC đã tham gia thu xếp vốn cho những dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; đóng góp thiết thực, cụ thể vào phát triển, củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Koichi Miyata, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) kiêm Chủ tịch Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản.
Thủ tướng mong muốn SMBC tiếp tục mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư tại Việt Nam; tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Nhấn mạnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ kinh tế, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn, Thủ tướng đề nghị, SMFG và SMBC cần phát huy vai trò là cầu nối, xúc tiến các doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam, qua đó tiếp tục góp phần quan trọng tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp, toàn diện Việt Nam - Nhật Bản.
Ông Koichi Miyata cảm ơn Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành, nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện cho Ngân hàng SMBC hoạt động thuận lợi ở Việt Nam; cho biết nhân dịp tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Chi nhánh Ngân hàng SMBC tại Việt Nam, ngân hàng có mời nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đến Việt Nam tham dự. Đây cũng là dịp quan trọng để quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Ông bày tỏ mong muốn, ngân hàng sẽ mở rộng việc cung cấp vốn ưu đãi cho Việt Nam, nhất là lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng; tham gia sâu hơn nữa vào quá trình kinh doanh tại Việt Nam. Trong quá trình đó, ông mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam. Ông Koichi Miyata khẳng định, tập đoàn luôn đồng hành với sự phát triển của Việt Nam.
Ghi nhận các ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam; luôn quan tâm đặc biệt việc thu hút đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng mong muốn Nhật Bản đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào Việt Nam, vươn lên là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Thủ tướng vui mừng về danh mục các dự án đầu tư phát triển tại Việt Nam mà Ngân hàng SMBC tài trợ vốn đều là những dự án quan trọng, quy mô lớn. Thủ tướng mong muốn Ngân hàng SMBC mở rộng hơn nữa quy mô tín dụng cho các đối tác Nhật Bản và Việt Nam.
Thông báo về những tín hiệu tích cực trong công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh trong thời gian tới trên tất cả các lĩnh vực, qua đó tăng mạnh quy mô nền kinh tế. Do đó, quy mô tín dụng sẽ tăng, nhưng đồng thời, Chính phủ cũng sẽ kiểm soát tốt chỉ số lạm phát, tín dụng bất động sản, chứng khoán... bảo đảm ổn định vĩ mô để tạo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định cho các nhà đầu tư yên tâm làm ăn.
Thủ tướng mong SMBC phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tăng quy mô làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam, tiếp tục gặt hái thành công tại Việt Nam, là "bông hoa đẹp" đóng góp vào "vườn hoa" của tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.
Cách đây 45 năm, vào ngày 21/9/1973 Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Từ đó đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã đi một chặng đường dài, cùng nhau xây đắp mối quan hệ hợp tác hữu nghị, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi.
Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào tháng 10/2011. Đến nay, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ ba về du lịch của Việt Nam. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 33 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 17 tỷ USD.
Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 8,7 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 3/ 2018, Nhật Bản có gần 3.700 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 50 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Nhiều dự án của Nhật Bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.