Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Châu Á sẽ là nơi gửi gắm giấc mơ của tất cả các nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23. |
"Lịch sử chứng minh dù chúng ta phản đối hay ủng hộ toàn cầu hóa, xu thế này vẫn cứ diễn ra", Nikkei Asian Review dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 23 đang diễn ra tại Nhật Bản.
Trích dẫn sự phát triển kinh tế trên Con đường Tơ lụa cổ xưa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh toàn cầu hóa "không chỉ chú trọng tới tiến bộ kinh tế mà còn phản ánh những mong muốn của con người về việc vươn xa hơn, theo đuổi những điều tốt đẹp hơn và chinh phục thử thách".
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam hiện đang tiếp tục đàm phán 4 thỏa thuận thương mại tự do. Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác thi hành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dù Mỹ đã rút lui. Theo đó, Việt Nam sẽ phối hợp "chặt chẽ" với 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP.
Còn với Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay chính phủ sẽ tiến hành thảo luận về một thỏa thuận song phương.
Hồi cuối tháng Năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trong khối ASEAN tới Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Donald Trump. Trong chuyến thăm tới Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký kết các thỏa thuận thương mại cung cấp thiết bị và máy móc trị giá hơn 12 tỷ USD.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tập trung thu hút thêm hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam đạt hơn 6% trong 30 năm qua.
Bày tỏ quan điểm về những mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng ở châu Á như tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hối thúc các bên "có trách nhiệm thực thi những quy định công bằng và tôn trọng lẫn nhau".
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, châu Á đang trở thành nền kinh tế lớn toàn cầu khi trở thành lục địa có GDP lớn nhất trên thế giới trong năm 2016. Trước đó, vào năm 2010, châu Á chỉ đứng thứ 3 trên thế giới.
"Trên các phương tiện truyền thông lớn, chúng ta thường chỉ nghe về giấc mơ Mỹ hay giấc mơ Trung Hoa trong khi giấc mơ Myanmar, giấc mơ Lào, giấc mơ Campuchia hay giấc mơ Việt Nam lại ít khi được nhắc tới. Tôi tin trong tương lai, châu Á sẽ là nơi gửi gắm giấc mơ của tất cả các nước dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay đang phát triển. Tất cả sẽ đều được biết đến và được tôn trọng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.