Thủ tướng hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Thủ tướng Dmitry Medvedev về việc Nga đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nhấn mạnh Việt Nam không bao giờ quên những đóng góp to lớn của nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga cho hòa bình của nhân loại.
Bày tỏ vui mừng được gặp lại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Medvedev cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, thân tình mà phía Việt Nam đã dành cho Đoàn trong thời gian làm việc tại Việt Nam trước đó và cho biết đặc biệt ấn tượng trước những bước phát triển của Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước việc Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu sau một thời gian đàm phán tích cực và khẩn trương đã cùng nhau thống nhất được nội dung của Hiệp định Thương mại tự do. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của Nga với tư cách là nước đầu tàu trong Liên minh đã hợp tác và thúc đẩy để kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định theo đúng kế hoạch đề ra.
Thủ tướng đề nghị Nga cùng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu sớm hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định để có thể tận dụng được tối đa những ưu đãi, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư trong giai đoạn mới.
Thủ tướng Medvedev cho rằng việc Việt Nam là đối tác đầu tiên ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh càng khẳng định vai trò và vị trí của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới, tin tưởng rằng Hiệp định không chỉ mở rộng hợp tác song phương, tăng kim ngạch thương mại mà còn tạo đà thúc đẩy việc thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên trên lãnh thổ của nhau, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Medvedev cũng đã trao đổi và nhất trí tích cực triển khai những thoả thuận đạt được sau chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Medvedev, đặc biệt là dự án trọng điểm của hợp tác song phương trong các lĩnh vực năng lượng, đầu tư, an ninh-quốc phòng…
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Medvedev khẳng định Liên bang Nga ủng hộ giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.