Thứ trưởng Bộ LĐTBXH: Triển khai chính sách về người khuyết tật có nhiều tiến bộ
Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đánh giá, 6 tháng đầu năm 2017, với sự chủ động, tích cực và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình triển khai luật pháp, chính sách về người khuyết tật (NKT), chương trình hành động quốc gia về NKT đã đạt được nhiều tiến bộ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, việc chi trả trợ cấp cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng cho các địa phương rất kịp thời. |
Trong 6 tháng, tiếp tục có thêm 4 luật được ban hành, trong đó có nội dung lồng ghép về NKT rất rõ ràng, cụ thể. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã bổ sung thêm 22 văn bản bao gồm các nghị định, thông tư, các quyết định để triển khai, thực hiện các chính sách NKT và chính vì vậy, tiếp tục tạo môi trường tương đối đồng bộ, đầy đủ, hoàn thiện cho việc triển khai các trợ giúp cho NKT. Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến NKT đang được các bộ, ngành soạn thảo, lấy ý kiến để ban hành thời gian tới.
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Quốc gia về NKT, hiện cả nước có gần 900.000 NKT nặng và đặc biệt nặng, 70.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
“Đến thời điểm này, việc chi trả trợ cấp cho NKT nặng và đặc biệt nặng cho các địa phương rất kịp thời, trên cơ sở chúng ta đã đổi mới, cải cách phương thức chi trả thông qua một cơ quan độc lập là bưu điện nên cũng đã khắc phục được nhiều sai sót, hạn chế trong vấn đề duyệt chính sách cũng như trả tiền cho đối tượng”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định.
Với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống, cải thiện sinh hoạt cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT, năm 2017, ngân sách Nhà nước đã cân đối, bố trí kinh phí cho ngân sách địa phương để triển khai thực hiện quy định trợ cấp xã hội hàng tháng ở cộng đồng, nuôi dưỡng tập trung trong cơ sở bảo trợ xã hội, nâng mức trợ cấp xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP là 16.265 tỷ đồng.
Các hoạt động chăm sóc y tế, giáo dục cho NKT cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Về hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho NKT được thực hiện chủ yếu bằng các hình thức cấp thẻ bảo hiểm y tế, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và hỗ trợ dụng cụ trợ giúp.
Nhiều chuyển biến ở công tác dạy nghề, tạo việc làm
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá có nhiều chuyển biến, tháo gỡ một số khó khăn cho NKT trong học nghề, việc làm và vấn đề vốn, tiếp cận vốn cho NKT cũng đã được thực hiện tương đối tốt.
Để triển khai công tác đào tạo nghề cho NKT, ngày 14/3/2017, Bộ Lao động - TBXH đã ban hành Văn bản số 921, 922 hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017, trong đó chỉ đạo hướng dẫn tổ chức triển khai hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho NKT. Hiện nay, các địa phương đã chủ động xây dựng, rà soát, phê duyệt 4.355 lượt danh mục nghề đào tạo, 3.657 định mức chi phí đào tạo làm căn cứ thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn và đào tạo hòa nhập cho NKT. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 5.000 NKT được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Hình thức đào tạo chủ yếu là vừa làm, vừa học, học tại doanh nghiệp, học trong sản xuất…
Trong lĩnh vực tiếp cận giao thông, công trình công cộng, các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm giá vé cho NKT từ 25%- 100% cho NKT khi tham gia giao thông công cộng; lĩnh vực hàng không giảm 15% giá vé cho NKT, các hãng hàng không đều chấp nhận vận chuyển khách với các dịch vụ đặc biệt không thu phí. Đến nay tỷ lệ đảm bảo tiếp cận đối với NKT đạt 63% cảng hàng không, 26% nhà ga đường sắt, 30% bến xe khách, 3,5% phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Nhìn chung, các địa phương đều thực hiện tốt chính sách trợ giúp NKT như trợ giúp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho học sinh khuyết tật… đa số các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch trợ giúp NKT giai đoạn 2012- 2020 và được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và bố trí nguồn lực thực hiện. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành thành viên trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao từng bước được cải thiện.
6 tháng cuối năm 2017 của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam được đặt ra nhiều nhiệm vụ như: Tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT; Luật NKT và Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020; Phân tích và xây dựng báo cáo và công bố kết quả Điều tra quốc gia NKT năm 2016; Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện dự án “Thức đẩy quyền của NKT Việt Nam” do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ tại 6 tỉnh. Tổ chức đoàn thể thao NKT Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế dành cho NKT; Tập trung duy trì mối quan hệ hợp tác về NKT với các đối tác song phương, đa phương trong khu vực và thế giới…