Thu hồi hơn 3.600m2 đất đền bù giá 0 đồng: Bộ TN&MT từng có văn bản phản đối
Có lấn chiếm đất công?
Trình bày sự việc, ông Châu Tuấn Quốc (ngụ phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM) cho hay, năm 1970 bố của ông là ông Châu Văn Nguyên mua 4.200m2 đất ở xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức (nay thuộc khu phố 1, phường Hiệp Phú, quận 9) và có xác nhận của chính quyền địa phương.
Đến năm 1980, địa phương thu hồi 586m2 thuộc phần đất 4.200m2 nói trên để xây dựng sân vận động. Gia đình ông Nguyên được bồi thường hoa màu 1.285 đồng theo đơn vị tiền tệ lúc bấy giờ, thời điểm này chưa quy định về bồi thường đất. Sau đó, ông Nguyên mất và phần đất 3.614 m2 còn lại, được gia đình ông Quốc tiếp tục sử dụng.
Ông Quốc bức xúc vì hơn 3.600m2 đất của gia đình đứng trước nguy cơ bị thu hồi nhưng không được xem xét đền bù. |
Năm 2016, qua tìm hiểu ông Quốc biết, UBND quận 9 có kế hoạch mở rộng trụ sở hành chính và phần đất của gia đình thuộc phạm vi quy hoạch. Đáng nói, kế hoạch của quận 9 là sẽ thu hồi 3.614m2 đất của gia đình ông Quốc nhưng lại không tính giá bồi thường vì cho rằng đó là đất công (!?).
Ngoài ra, gia đình ông Quốc còn có chủ quyền đối với 1.800m2 đất tiếp giáp với phần đất chính quyền quận 9 dự kiến thu hồi, hiện có con đường rộng 6 mét từ đường lớn đi vào. Ông Quốc thắc mắc, kế hoạch thu hồi của chính quyền lại không thể hiện phương án chừa đường đi vào khu đất này, do vậy gia đình ông không biết sẽ đi lại như thế nào?
Không đồng tình, ông Quốc đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi, ông cho rằng phần đất trên được bố mẹ ông mua, sử dụng hợp pháp phần đất này từ năm 1970, sau này gia đình ông liên tục sử dụng nhưng vì sao lại không được xem xét đền bù?
Được biết, sở dĩ 3.614m2 đất của gia đình ông Quốc không được xem xét cấp chủ quyền hàng chục năm qua dẫn đến thu hồi đền bù giá 0 đồng vì chính quyền địa phương cho rằng gia đình ông lấn chiếm đất công.
Theo đó, năm 1990, UBND huyện Thủ Đức ban hành quyết định thu hồi 3.614m2 đất này và giao cho UBND xã Hiệp Phú (nay là phường Hiệp Phú) quản lý với lý do “chiếm dụng sử dụng đất trái phép kể cả đường thông hành địa dịch”.
Cơ sở để UBND huyện Thủ Đức cho rằng ông Nguyên, tức bố ông Quốc, chiếm sử dụng đất là do phần đất này đã được UBND xã Hiệp Phú đăng ký và xác định là đất công (!?).
Ông nói gà, bà nói vịt
Trong văn bản số 3564/BTNMT-TTr gửi UBND TP.HCM ngày 17/7/2017 giải quyết khiếu nại vụ việc này, Bộ TN&MT cho rằng việc UBND huyện Thủ Đức (nay là UBND quận 9) xác định 3.614m2 nói trên là đất công do gia đình ông Nguyên chiếm sử dụng làm căn cứ ban hành thu hồi đất của gia đình là không đúng nguồn gốc, diễn biến quá trình sử dụng đất.
“Trên thực tế, từ khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất năm 1990, gia đình ông Nguyên vẫn sử dụng cho đến nay, do vậy gia đình ông Nguyên được tiếp tục sử dụng và được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận) đối với 3.614m2 đất nêu trên theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 43/2014 NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai", văn bản của Bộ TN&MT nói rõ.
Khu đất 3.614m2 của gia đình ông Quốc nằm trong quy hoạch dự án xây dựng nâng cấp trụ sở UBND quận 9. |
Về việc thu hồi 3.614m2 đất của gia đình ông Nguyên phục vụ dự án nâng cấp trụ sở hành chính UBND quận 9, Bộ TN&MT cho rằng “khi Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án thì gia đình ông Nguyên được bồi thường về đất theo quy định tại Khoản 1, Điều 75, Luật Đất đai năm 2013”.
Mặc dù Bộ TN&MT đã có ý kiến như trên nhưng UBND TP.HCM vẫn bảo lưu quan điểm rằng việc ông Quốc đề nghị công nhận quyền sử dụng 3.614m2 đất cho gia đình là không có cơ sở, vụ việc cũng không có tình tiết mới (!?).
Vụ việc kéo dài nhiều năm với kiểu giải quyết trên dưới bất nhất như trên khiến gia đình ông Quốc chỉ biết chờ đợi, phần đất cha ông để lại đã không được công nhận chủ quyền mà còn đứng trước nguy cơ bị thu hồi không đền bù…