Thủ đoạn buôn lậu thuốc lá tại Long An vẫn diễn ra tinh vi và phức tạp
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An tại Hội nghị tuyên truyền tác hại của buôn bán, vận chuyển và tàng trữ thuốc lá nhập lậu do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Long An tổ chức, trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, xử lý 1.098 vụ vi phạm về buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu; tịch thu 1.423.196 gói.
Ban Chỉ đạo 389 nhận định, mặt hàng nhập lậu qua biên giới của tỉnh chủ yếu là mặt hàng thuốc lá (trong đó Jet và Hero chiếm tỷ lệ trên 70%).
Hoạt động buôn lậu qua biên giới của tỉnh theo 2 hướng tuyến cơ bản: Tuyến biên giới thị xã Kiến Tường - huyện Mộc Hóa - Vĩnh Hưng - Tân Hưng. Hàng lậu nhập qua tuyến này được chuyển về tiêu thụ ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, một phần chuyển về thành phố Tân An và thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Tuyến biên giới huyện Đức Huệ và khu vực xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) giáp ranh xã Mỹ Quý Đông (huyện Đức Huệ, Long An) chuyển hàng qua huyện Đức Hòa về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Đây là tuyến buôn lậu chính, hoạt động vận chuyển hàng lậu qua tuyến này thường diễn ra sôi động và phức tạp.
Ông Nguyễn Triết - Tổng Thư ký Hiệp Hội thuốc lá Việt Nam cho biết, việc buôn lậu thuốc lá lậu đang có chiều hướng gia tăng gây thất thu ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, đặc biệt, gây mất trật tự xã hội.
Điển hình là vụ việc anh Nguyễn Kim Danh, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, bị nhóm đối tượng buôn lậu thuốc lá đánh chết khi làm nhiệm vụ ngày đêm ngày 15/9/2016 đã trở thành tâm điểm, cho thấy sự liều lĩnh và lộng hành của các đối tượng buôn lậu.
Lý giải nguyên nhân buôn bán vận chuyển thuốc lá nhập lậu phức tạp, ông Võ Thiện Ngộ - Phó Chi cục trưởng chi Cục quản lý thị trường tỉnh Long An cho rằng, khoảng cách từ biên giới Campuchia qua địa bàn Long An đến TP.HCM điểm gần nhất chỉ khoảng 40 km.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân sống gần tuyến biên giới không có việc làm ổn định, cuộc sống khó khăn nên dễ bị lôi kéo, tham gia buôn lậu, vận chuyển thuê.
Song quan trọng nhất là lợi nhuận thu được từ buôn lậu thuốc lá rất cao so với công lao động hàng ngày nên thu hút người dân tham gia vận chuyển bằng nhiều hình thức như: xe gắn máy, xe ô tô tải, ô tô con, ghe, thuyền và có cả tàu cao tốc để chuyên chở.
Tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia với nhiều đường ngang, ngõ tắt, đường mòn, lối mở nên việc kiểm soát người và phương tiện qua lại biên giới có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ; lượng trực tiếp làm công tác chống buôn lậu còn mỏng, phương tiện chuyên dùng, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác chống buôn của các lực lượng vừa thiếu lại vừa lạc hậu, đặc biệt là các lực lượng ở cơ sở.
Để công tác chống buôn lậu thuốc lá thu được hiệu quả tích cực, ông Nguyễn Triết kiến nghị với UBND tỉnh Long An, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Long An cùng với các sở ban ngành tỉnh Long An tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng trên toàn tỉnh quyết liệt triển khai các biện pháp kiểm soát thuốc lá nhập lậu từ biên giới vào nội địa, các điểm bán lẻ; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về tác hại, cũng như hệ lụy của buôn bán vận chuyển thuốc lá lậu đến cư dân biên giới, qua đó giúp cư dân biên giới nhận thức được những tác hại của vấn nạn này từ đó không tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá.
Phó Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, trọng tâm trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá là phải đúc kết công tác chỉ đạo, từ đó đưa ra được các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng việc vận động. Đặc biệt, công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn, nhất là với những đường dây có tổ chức.