Thời điểm "vàng" để phát triển ngành hàng rong biển
Theo Tổng Cục thủy sản, Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên biển. Diện tích trồng rong biển tiềm năng là 900 nghìn ha. Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ khai thác được 10.150ha trồng rong biển.
Nhất là ở khu vực miền Trung, dù có dư địa khá lớn nhưng để trồng và phát triển rong biển theo quy mô hàng hóa lại chưa nhiều.
Chỉ tính riêng từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, diện tích trồng rong hiện khoảng 1.400 ha với 3 đối tượng chính là rong câu, rong sụn và rong nho. Còn tại tỉnh Phú Yên, hiện diện tích trồng rong, trong đó chủ yếu là rong nho mới chỉ có khoảng 3,7ha và tập trung chủ yếu ở Sông Cầu.
Hay như tỉnh Quảng Nam, dù có bờ biển dài 125km với như trường rộng 40.000km2, nhưng hiện nay nguồn lợi rong biển ở đây vẫn đang được người dân khai thác tự phát, chưa chú trọng đến nguồn thu mua để nâng cao giá trị sản phẩm.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển ngành rong biển hướng tới bền vững. Nhưng bất cập hiện nay là diện tích có thể phát triển các loại rong khá lớn nhưng trên thị trường vẫn phải nhập đến 90% nguyên liệu từ nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau Câu Sơn Hải (Ninh Thuận), năm 2021, cả vụ công ty chỉ thu mua trong vùng được khoảng hơn 60 tấn rong câu; năm 2022, công ty cũng chỉ thu mua được hơn 120 tấn. Với bờ biển trải dài, chúng ta thừa sức có nguồn rong trong nước đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng hiện nay, vì nguồn cung trong nước ít nên phải nhập khẩu tư bên ngoài vào khiến giá thành sản phẩm rất cao và hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài.
Nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đối với các mặt hàng chế biến từ rong rất lớn nhưng nguồn nguyên liệu đủ chất lượng, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp lại đang thiếu. Và bài toán này đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các địa phương tính đến để phát triển ngành rong biển bền vững, hướng đến mô hình kinh tế nuôi biển cho người dân ven biển.
Năm 2030 giá trị xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ rong đạt từ 14 – 16 tỷ USD
Theo Tổng Cục thủy sản, ngành hàng rong biển có tiềm năng nhưng cần sự vào cuộc tích cực từ các địa phương, doanh nghiệp, người dân. Qua đó, kiến nghị các địa phương cần đánh giá tiềm năng lợi thế, tìm hiểu nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển sản xuất, chế biến rong tảo biển tại địa phương cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển trồng và chế biến rong biển hiệu quả.
Với lợi thế bờ biển dài hơn 3500km và diện tích mặt nước có thể trồng rong lên đến 900 nghìn ha, Bộ NN&PTNT cho rằng, cùng với việc xây dựng kế hoạch tổ chức phát triển sản xuất chế biến rong biển phù hợp với điều kiện của từng địa phương để có nguồn nguyên liệu ổn định đáp ứng được nhu cầu cho các doanh nghiệp để tiến tới mục tiêu đến năm 2025, sản lượng rong tảo biển đạt sản lượng 180.000 tấn; đến năm 2030, sản lượng đạt 500.000 tấn, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng chế biến từ rong đạt từ 14 – 16 tỷ USD.
Để phát triển ngành rong biển bền vững, PSG.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, cho rằng, việc phát triển ngành rong, gần như phần đầu tư đầu vào là không cần gì, hơn nữa thị trường đầu ra lại mênh mông. Một thị trường nông nghiệp được cả 2 yếu tố trên là tuyệt vời vì thế cái của chúng ta là cần có 1 cái nhìn về phát triển ngành rong biển như phát triển 1 ngành nông nghiệp chứ không phải là 1 sản phẩm bình thường. Muốn làm như vậy chúng ta cần có tiêu chí, tiêu chuẩn.
Còn theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuỷ sản Việt Nam Trần Đình Luân, quan trọng nhất là tổ chức được các vùng nuôi và khai thác được các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng khu vực. Đồng thời tổ chức thu mua, sơ chế phải đảm bảo truy suất được nguồn gốc, chất lượng từ đó mới mong có được sản phẩm có giá trị.
Hiện nay, ở các vùng biển một số địa phương như Khánh Hòa, Phú Yên… đã thử nghiệm trồng rong biển hiệu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ, cho biết, những năm qua, ngành thủy sản Phú Yên đã không ngừng phát triển, ngoài phát triển nuôi trồng thủy sản các vùng đầm vịnh, cửa sông, Phú Yên còn tiềm năng rất lớn để nuôi biển công nghiệp với diện tích khu vực biển hàng nghìn ha, chất lượng môi trường tốt và ổn định.
Hiện nay, tỉnh Phú Yên có khoảng 3,7 ha trồng rong nho tại thị xã Sông Cầu, sản lượng năm 2022 ước đạt 7,9 tấn. Tuy diện tích còn nhỏ nhưng đây là một trong những đối tượng tiềm năng để phát triển nuôi trồng ở các vùng ao đìa ven biển, bổ sung sinh kế và thu nhập cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Từ năm 2021, UBND tỉnh cũng đã giao Trung tâm Giống nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông phối hợp với doanh nghiệp trồng thử nghiệm tại vùng biển gần bờ của huyện Tuy An cho kết quả khả quan.
Tỉnh Phú Yến định hướng phát triển đến năm 2030 trồng rong nho khoảng 380 ha, sản lượng khoảng 1.300 tấn/năm tại một số vùng vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, Ô Loan và vùng biển mở nhằm cải thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân.
Hải Yến