Trà Vinh hướng đến phát triển kinh tế biển bền vững
Trà Vinh có 4 huyện và 1 thị xã giáp biển. Vùng biển có khu du lịch biển Ba Động với thắng cảnh đẹp, khu kinh tế Định An là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước.
Nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực đầu tư, đưa tỉnh Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh vừa phối hợp Ban Quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh (Dự án SME Trà Vinh) tổ chức triển khai đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh theo hướng bền vững đến năm 2030.
Theo đề án kế hoạch phát triển kinh tế biển của tỉnh, Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025 giá trị tăng thêm ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 5%/năm; sản lượng thủy sản đạt khoảng 300.000 tấn/năm (trong đó nuôi trồng 200.000 tấn, khai thác 100.000 tấn); du lịch biển tăng trưởng bình quân hàng năm 15% và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 46.500 MW, trong đó: Điện gió (công suất 33.787 MW); điện mặt trời (công suất 7.587 MW); điện khí (công suất 5.000 MW); điện sinh khối (công suất 110 MW); điện rác (công suất 21,13 MW).
Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển khu kinh tế Định An và hoàn thiện một số hạng mục kết cấu hạ tầng quan trọng về kinh tế biển và logistics; phát triển giao thông vận tải biển; phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trên vùng biển của tỉnh phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh….
Để thực hiện kế hoạch này, Trà Vinh đã đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế biển như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của kinh tế biển, xác định phát triển kinh tế biển là động lực quan trọng và là nhiệm vụ của hệ thống chính trị.
Rà soát, xây dựng đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển; tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, tích hợp cụ thể các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; rà soát, triển khai quy hoạch khu kinh tế Định An, hoàn thành đưa vào sử dụng bến cảng tổng hợp Định An và các công trình hạ tầng giao thông, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cấp và mở rộng dịch vụ cảng cá Định An; khôi phục Làng nghề chế biến thủy sản Mỹ Long (huyện Cầu Ngang) và Đông Hải (huyện Duyên Hải). Thành lập, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã hậu cần nghề cá trên biển.
Đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại - dịch vụ; xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa người dân vùng biển, nhất là lễ nghi, tín ngưỡng, thói quen, kinh nghiệm thích nghi với môi trường biển, văn hóa ẩm thực, văn hóa đánh bắt và bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học biển.
Phấn đấu trở thành tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của ĐBSCL
Với lợi thế và tiềm năng của tỉnh có 65km bờ biển, nên việc thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam, tỉnh có nhiều ưu thế, nhất là lĩnh vực thu hút mời gọi đầu tư, hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm của vùng ĐBSCL về phát triển kinh tế biển và giao thương quốc tế.
Vấn đề này là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm được Trà Vinh nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đặc biệt, mới đây, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh uỷ tiếp tục xác định “phấn đấu đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL”.
Xác định rõ như vậy, thời gian qua, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh có 348 dự án còn hiệu lực (41 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD; 303 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 105.937 tỷ đồng), hiện có 2.091 doanh nghiệp (35 doanh nghiệp FDI) đang hoạt động, vốn 30.313 tỷ đồng, giải quyết việc làm 92.545 lao động.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trà Vinh Châu Văn Hòa, hiện nay, toàn tỉnh có 350 dự án còn hiệu lực, trong đó có 41 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD (dự án Nhiệt điện 2 chiếm 2,41 tỷ USD) và 309 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 106.005,3 tỷ đồng.
Trong đó, trong KKT, KCN có 81 dự án, ngoài KKT, KCN có 269 dự án. Nhiều dự án đang trong giai đoạn hoàn thành: Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng đang vận hành thử; Nhà máy Điện mặt trời đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2019. Riêng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 của Tập đoàn Janakuasa đầu tư đang đẩy mạnh thi công năm thứ 03 với tiến độ tổng thể đạt gần 60%; Dự án Nhà máy điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh 1 và Điện gió Duyên Hải giai đoạn 1 đã khởi công vào cuối tháng 4/2019.
"Hiện nay, tỉnh đang tiến hành xây dựng các hạng mục quan trọng. Tất cả sẽ tạo nên “cú huých” giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội và thu hút nguồn lực đầu tư, thu ngân sách, làm nền tảng cho giai đoạn 2020-2025 giúp Trà Vinh thực hiện được mục tiêu trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL.
Hải Yến