Thổ cẩm 'xịn' xuống chợ vô tình
Hiện nay, ở các bon làng, phụ nữ vẫn giữ nghề dệt thổ cẩm. Việc này không chỉ “tự túc, tự cấp” trang phục cho gia đình mà nhiều người còn có thể sống được với nghề khi bán sản phẩm ra thị trường.
Từ dệt chỉ để nhà dùng
Chị Thị Nho ở bon Mêra, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cho biết, từ nhỏ chị được mẹ dệt cho những bộ trang phục đẹp mặc đi chơi lễ hội nên rất thích thú và tìm cách học dệt. Rồi được mẹ truyền lại cho kỹ thuật dệt, hiện chị đã có thể dệt thành thạo được nhiều sản phẩm thổ cẩm như váy, túi, chăn, trang phục… với những hoa văn từ đơn giản đến phức tạp. Dù chỉ tranh thủ thời gian nhàn rỗi, nhưng năm nào các thành viên trong gia đình chị cũng đều có trang phục mới.
Chị Thị Nhiêm chia sẻ: “Phụ nữ M’nông trong thời gian chăm con nhỏ, ở nhà đều tranh thủ dệt thổ cẩm. Phần lớn phụ nữ trong bon đều tự tay mình dệt trang phục để mặc trong các dịp lễ hội. Nhiều gia đình đang truyền lại cho nhau kỹ thuật dệt, nhất là cách tạo hoa văn từ đơn giản đến phức tạp khi trong các bộ trang phục truyền thống”.
Trang phục đồng bào M’nông trong lễ hội truyền thống. Ảnh: Ngọc Tâm. |
Bán ra thị trường
Đối với bà H’Mớt, dân tộc Mạ ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) thì việc dệt thổ cẩm không chỉ dừng lại ở việc sử dụng trong gia đình mà còn “sống” được với nghề.
Theo lời bà kể thì trong quá trình dệt, ngày qua ngày, những chiếc túi, chiếc váy, chiếc chăn cứ thế treo đầy nhà, tình cờ có người hỏi mua thế là bà bán. Bắt đầu từ đó, bà mang những sản phẩm dệt được đi đến nhà người quen ở các nơi trong vùng để giới thiệu, rồi bán hàng.
Nhiều năm nay, bà không lên nương rẫy nữa mà dành toàn bộ thời gian ngồi bên khung cửi dệt các sản phẩm theo đơn đặt hàng. Bà H’Mớt cho biết: “Tùy theo từng loại sản phẩm, nhanh hay chậm, trừ chi phí mua nguyên liệu, mỗi tháng tôi cũng có thu nhập vài triệu đồng, nên càng gắn bó với nghề hơn”.
Tương tự, chị H’Bình ở cùng bon cũng xem dệt thổ cẩm như là một nghề chính của mình và luôn dành thời gian, tâm huyết cho công việc này. Theo chị H’Bình thì nguồn nguyên liệu trên thị trường hiện rất phong phú, đa dạng, muốn mua loại nào, màu sắc gì cũng có nên người dệt luôn chủ động, hoàn thành các sản phẩm nhanh hơn.
Với tay nghề điêu luyện, kỹ thuật tạo hoa văn tinh xảo, mỗi tháng, chị có thể hoàn thành được 4 tấm thổ cẩm, mỗi tấm bán ra thị trường với giá từ 1 triệu đồng trở lên. Không chỉ biết dệt hoa văn của dân tộc Mạ, chị còn có thể dệt được những hoa văn truyền thống của người Ê đê, M’nông.
Chị H’Bình cho biết: “Họa tiết, hoa văn trong các sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc cũng khá giống nhau, chỉ cần nhìn mẫu là tôi có thể làm được, những gì chưa biết thì hỏi mẹ. Hiện nay, gia đình làm không kịp đơn đặt hàng của khách, nên có thu nhập khá ổn định, yên tâm với nghề dệt”. Cùng với mẹ, chị H’Bình đã tạo được cơ sở dệt thổ cẩm uy tín, cung cấp các sản phẩm, trang phục truyền thống, được nhiều người biết đến và đặt hàng.
Bà H'Mớt miệt mài bên khung cửi suốt nhiều năm nay. Ảnh: Đức Hùng. |
Nguồn: Báo Đăk Nông