“Thiếu hệ thống cung cấp tri thức y tế, người dân toàn tra “bác sỹ” G”
Ngành y tế đang tích cực triển khai y tế thông minh. Ảnh minh họa Internet |
Tại Hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26/4/2019 vừa qua, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế cho biết, một trong những tồn tại của việc ứng dụng CNTT trong y tế đó là ngành y tế Việt Nam đang thiếu các hệ thống cung cấp tri thức phòng bệnh, chữa bệnh cho người dân trên mạng bao gồm cả trên web, di động. Ngành y tế cũng chưa thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người dân từ xa. Theo ông Tường, việc cung cấp thông tin tri thức về từng loại bệnh có lợi ích rất thiết thực cho người dân. Khi muốn tìm hiểu về một căn bệnh nào đó, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm và được bác sĩ tư vấn chính xác nguyên nhân gây bệnh, về cách phòng và chữa trị bệnh.
Việc cung cấp kiến thức y học thông thường cho người dân xã góp phần giảm dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân tốt hơn, và ngành y tế rất cần phải xây dựng được một cơ sở dữ liệu tri thức phòng bệnh, chữa bệnh cho người dân, để người dân có thể tìm kiếm, tra cứu một cách dễ dàng, nhưng hiện vẫn chưa làm được.
“Do thiếu một cơ sở dữ liệu tri thức y tế đã được số hóa, nên hiện nay đa số người dân toàn phải tra “bác sĩ” Google”, ông Tường nói.
Ông Trần Quý Tường cũng cho hay, Bộ Y tế là một trong số ít bộ ngành đã ban hành những văn bản pháp lý làm cơ sở tăng cường công tác QLNN và CNTT trong y tế, từng bước hoàn thành khung pháp lý về CNTT trong ngành y tế. Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành thông tư ban hành thông tư 54 về tiêu chí phần mềm bệnh viện và thông tư 46 về hồ sơ bệnh án điện tử. Bộ Y tế đã triển khai hệ thống V.office, hệ thống thư điện tử bộ y tế, kết nối với các bộ ngành địa phương, 37 dịch vụ công mức trực tuyến độ 3,4.
Thông tư 54 và Thông ty 46 của Bộ Y tế là đủ cơ sở pháp lý để số hóa toàn bộ văn bản giấy tờ trong ngành y tế. Bộ Y tế cơ bản có khung pháp lý để xây dựng bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy, không sử dụng tiền mặt. Về nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ đạo rất ngắn gọn: “không giấy tờ và không tiền mặt”. Ngành y tế phấn đấu tiến tới 90% là không sử dụng bệnh án giấy, hiện nay đã có đầy đủ cơ sở pháp lý coi bệnh án điện tử có giá trị đầy đủ, tương đương như bệnh án giấy.
Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế. |
Hiện Bộ Y tế cũng đã xây dựng xong phần mềm thống kê y tế điện tử, triển khai trên 14 tỉnh, thành, dự kiến trong năm 2019 sẽ triển khai trên cả nước. Việc xây dựng phần mềm thống kê y tế điện tử rất quan trong với ngành, bởi vì từ trước đến nay các cơ sở y tế chủ yếu làm báo cáo giấy, do đó việc triển khai làm niên giám thống kê chậm ít nhất là 2 năm, ví dụ niên giám thống kê y tế năm 2017 đến năm nay vẫn chưa có. Việc làm kế hoạch chủ yếu dựa trên số liệu thống kê, nhưng nếu toàn xem những số liệu cũ tới 2 năm thì việc lập kế hoạch sẽ không chính xác. Do đó ngành y tế sẽ kiên quyết triển khai phần mềm thống kê y tế điện tử, tiến tới bỏ sổ sách giấy tờ, bỏ báo cáo giấy.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, dự kiến triển khai trên toàn quốc vào năm 2019. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp lớn về CNTT, viễn thông đã cùng với Cục CNTT Bộ Y tế triển khai xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân, đủ đáp ứng để quản lý hồ sơ sức khỏe của hơn 90 triệu dân. Riêng Cục CNTT đã triển khai hai trung tâm để thực hiện nhiệm vụ này, do đó các Sở Y tế có thể lựa chọn tùy ý muốn, hợp tác với doanh nghiệp hoặc với Cục CNTT để xây dựng dữ liệu hồ sơ sức khỏe người dân, muốn làm với đơn vị nào cũng được.