Gã Đường “gàn” và khát vọng làm nông nghiệp sinh thái

Nỗ lực biến vườn cà phê canh tác truyền thống 30 năm của gia đình thành rừng, với hệ sinh thái thuận tự nhiên, anh Vũ Mạnh Đường ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã bước đầu thu được “trái ngọt”.

Cà phê của Mạnh Đường Farm sau khi thu hái lựa chọn 100% quả chín, đem rửa sạch, sau đó ủ lên men. Quá trình lên men tùy thuộc vào thời tiết dao động từ 4 - 6 ngày. Tiếp theo, cà phê được phơi nguyên quả trên giàn trong nhà kính khoảng 17 - 20 ngày. Sau khoảng 3 tháng từ khi thu hái (khi đó hạt cà phê sẽ bớt đi vị chát) mới đem đi rang xay bằng máy móc hiện đại, rang mộc 100%, không tẩm ướp thêm bất kỳ hương liệu gì.

Hạnh phúc với nông nghiệp sạch

Nhờ chọn món quà biếu ý nghĩa, mang đậm hương vị Việt cho những vị khách nước ngoài, tôi được những người bạn đam mê nông sản sạch giới thiệu đến với mô hình vườn rừng theo hướng sinh thái của anh Vũ Mạnh Đường.

Tự nhận mình đến với nông nghiệp như cái duyên định trước, ký ức về những ngày đầu quyết định từ bỏ tương lai tươi sáng làm thủy thủ tàu viễn dương để gắn bó với mảnh vườn lại ùa về trong anh Đường. Thời điểm ấy là năm 2015. Lúc đó anh đang làm việc tại Công ty Hàng hải Việt Nam.

Anh từ bỏ công việc mà bao người mơ ước, về quê thuê lại 5 sào cà phê của bố mẹ để khởi nghiệp, chỉ với một lý do: Những ngày lênh đênh trên biển anh cảm thấy cuộc sống thiếu đi cái gọi là ý nghĩa, anh muốn trở về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng cách  làm nông nghiệp theo xu hướng của thời đại.

img_6909-m.jpg

Anh Đường kể: “Tôi thuyết phục bố mẹ để tôi được nghỉ việc về làm nông nghiệp sạch, gia đình không ai đồng ý cả, bởi hiệu quả của nông nghiệp sạch như tôi nói họ thấy “mờ mịt”, trong khi tôi lại đang có một công việc tốt, lương cao. Nhưng tôi nghĩ ai cũng chỉ sống được có một lần, phải làm những gì mình thấy vui và hạnh phúc”, anh Đường tâm sự.

Nhận thấy việc sản xuất, canh tác nông nghiệp truyền thống sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu, phân hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích… gây mất an toàn thực phẩm, hủy hoại môi trường, không bền vững, thời gian đầu anh Đường canh tác khu vườn của mình theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất mà chỉ dùng các chế phẩm vi sinh.

Đến năm 2017, anh Đường được người bạn gửi cho video nói về nông nghiệp sinh thái vườn rừng của Ernst. Thấy mô hình này hay, không những phù hợp với điều kiện tại vườn của mình mà còn tốt cho môi trường và các loài sinh vật, thế là anh quyết định biến khu vườn của mình thành khu rừng với hệ sinh thái phong phú, trong đó cây cà phê được coi là cây chủ lực.

“Tôi không bỏ cuộc dù nhiều người nói tôi gàn dở”

Tháng 6/2017, với số vốn ít ỏi tầm 50 triệu đồng, anh Đường bắt tay làm với việc đầu tiên là đào 3 cái ao. Nông nghiệp sinh thái vườn rừng chú trọng đến đa dạng sinh học nhiều tầng tán có thể cung cấp nguồn thực phẩm trong giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.

Chính vì thế, để tạo ra tầng tán trên cùng, anh Đường đầu tư trồng nhiều cây che bóng, cây lấy gỗ quý như giáng hương, cẩm lai, cà te, sưa đỏ... Những loại cây này giúp tạo ra nguồn phân hữu cơ tự nhiên và là nguồn thu nhập dài hạn trong 30 năm tới. Tầng giữa anh trồng cây ăn quả như bơ, sầu riêng, hồng, vải... Tầng dưới là cà phê, chuối, na, mãng cầu… cho nguồn thu trung hạn. Tầng dưới cùng trồng cây dược liệu như đinh lăng, tam thất nam, gừng, nghệ...

Thời gian đầu, nhìn khu vườn của anh Đường cỏ mọc um tùm, cây cối trông như sắp chết, cà phê cho ít quả, các trái cây khác èo uột, xấu mã, mang ra chợ chả ai mua, ai cũng nghĩ anh “gàn dở”. Bỏ ngoài tai lời ra tiếng vào, anh vẫn quyết tâm theo con đường mình chọn.

img_6939-m.jpg

Anh Đường say sưa chia sẻ: “Bất kể loài sinh vật và cây cỏ nào cũng đều có giá trị và “mệnh” riêng. Ví như cỏ, chúng ta luôn nghĩ để cỏ mọc sẽ cạnh tranh chất dinh dưỡng của những cây trồng chính nên cứ thấy cỏ mọc lên là phun thuốc diệt cỏ hoặc nhổ cho bằng sạch. Ít ai biết cỏ cũng là một loại tự dưỡng, chúng cũng tổng hợp dinh dưỡng từ ánh sáng và không khí, bên cạnh đó còn giúp giữ ẩm, tăng độ phì nhiêu của đất, chống rửa trôi và xói mòn, tăng đa dạng sinh học, chống bệnh tật cho cây”.

Sau 3 năm, khu vườn rừng của anh Đường các tầng tán đã hình thành, phân tầng rõ nét. Bất kỳ ai từng đến thăm mô hình đều chung cảm nhận, dù trong mùa khô hạn nhưng khu vườn rừng của anh Đường vẫn giữ được màu xanh mát. Thú vị hơn nữa là những cây hồng, chuối, đu đủ... thu hút rất nhiều chim chóc và các loại thú rừng về đây tận hưởng nguồn thức ăn. Ngoài ra, trên cành cây anh Đường còn khéo léo treo những giò phong lan, cây tắc kè đá... Tất cả tạo nên cảnh quan sinh thái hết sức trong lành và gần gũi thiên nhiên.

Ngoài cà phê, khu vườn rừng của anh Đường luôn cho thu hoạch những loại củ quả quanh năm như: bơ, chuối, đu đủ, mãng cầu, nhàu, khoai sọ, sắn, gừng… Từ đó, anh chế biến thành các sản phẩm như: trà mãng, trà nhàu, chuối sấy; trái nhàu khô, đinh lăng ngâm rượu…

Cà phê được xếp hạng đặc sản

Cà phê đặc sản trên thế giới được hình thành cách đây khoảng 30 năm, đầu tiên là ở Mỹ, sau đó là các nước châu Âu, Nhật Bản… Cà phê đặc sản là sản phẩm cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, khi thử nếm có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm trở lên theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI). Các hạt cà phê đặc sản đều được hái lượm thủ công bằng tay từng quả một để đảm bảo chỉ có những hạt cà phê chín đỏ.

Tiêu chuẩn đánh giá khắt khe đã tạo nên sự khác biệt về hương vị của cà phê đặc sản và khiến nó được yêu thích trên khắp thế giới. Thị phần cà phê đặc sản chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê thế giới, nhưng lại có giá trị cao gấp 5 - 10 lần sản phẩm cà phê thông thường. Với những tiềm năng hiện có, sản xuất cà phê đặc sản chính là một hướng đi mới của ngành cà phê Việt Nam.

Bắt nhịp với xu hướng, đầu năm 2019, anh Đường theo học lớp chế biến cà phê đặc sản. Nhờ sự tỉ mỉ, tinh tế cùng sự đặc biệt từ cà phê giống truyền thống được trồng theo hướng sinh thái vườn rừng, năm 2020, sản phẩm cà phê của anh đã lọt vào vòng cung kết cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2020” và được công nhận là cà phê đặc sản với điểm thử nếm 80,36.

Khách hàng nếu từng một lần thưởng thức cà phê sinh thái vườn rừng của anh Đường đều có cảm nhận cà phê có vị chua thanh, đắng nhẹ, ngọt hậu, hương vị trái cây và gia vị. Hiện nay, tại Mạnh Đường Farm có hai loại: cà phê đặc sản với giá 400.000 đồng/kg, cà phê honey 300.000 đồng/kg.

Qua 5 năm làm nông nghiệp sạch, anh Đường khẳng định, so với cách làm nông nghiệp bình thường, năng suất cây trồng giảm nhưng chất lượng nâng tầm và cho thu nhập ổn định hơn. Anh Đường tin tưởng sản phẩm của mình được khách hàng đón nhận, bởi thị trường đang hướng đến những sản phẩm sạch, bảo vệ sức khoẻ./.

Chàng trai khuyết tật vùng biển về Bình Dương nuôi tôm càng xanh nước ngọt ở gò đồi

Chàng trai khuyết tật vùng biển về Bình Dương nuôi tôm càng xanh nước ngọt ở gò đồi

Anh Huỳnh Trọng Tiễn là nạn nhân chất độc da cam, chân phải bị teo cơ. Sinh ra ở vùng đất biển Quảng Ngãi, tuy nhiên anh đã vượt lên chính mình, khởi nghiệp với mô hình nuôi tôm càng xanh nước ngọt trên mảnh đất quê ngoại Bình Dương.

Theo vov.vn

Nước về hồ thủy điện tăng cao, không lo thiếu điện

Ngày 16/7, lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả nước được cải thiện, có khu vực cao hơn trung bình nhiều năm nên các nhà máy tăng công suất phát điện, không lo thiếu.

Chủ tịch Hà Tĩnh: Rút kinh nghiệm Formosa, kiên quyết dừng dự án sắt Thạch Khê

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho biết, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, tỉnh kiên quyết đề xuất dừng mỏ sắt Thạch Khê.

Xem Nhật Bản nuôi cá trong nước phóng xạ Fukushima đã qua xử lý

Chính phủ Nhật Bản livestream nuôi cá trong bể chứa nước nhiễm xạ đã qua xử lý nhằm thuyết phục công chúng về độ an toàn của kế hoạch xả nước phóng xạ Fukushima ra biển.

Ông Lê Thái Sâm làm Chủ tịch Bamboo Airways

HĐQT Bamboo Airways vừa thông qua quyết định bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 thay thế các thành viên từ nhiệm. Theo đó, ông Lê Thái Sâm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways thay ông Oshima Hideki vừa tại vị 3 tuần.

Mở ‘nút thắt’ visa, sốt sắng đón luồng khách mới

Để Việt Nam trở thành thị trường du lịch sang trọng, đón được những vị khách chi trả cao và ở dài ngày buộc ngành du lịch phải thay đổi và có chính sách rõ ràng. Nút thắt visa được mở là bước đầu tiên để đón nguồn khách mới.

"Thay trời làm mưa', người dân vùng cao thu cả chục tỷ đồng

Ở nơi rẻo cao bản Yên Thi, xã Lóng Phiềng, người nông dân chỉ cần chiếc smartphone có thể thay trời "làm mưa" bất cứ lúc nào. Cũng bởi vậy, vụ nào cũng trúng mùa, cho thu cả chục tỷ đồng.

Tăng tốc làm thêm đường dây 500kV để miền Bắc giảm nguy cơ thiếu điện

Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành, đưa vào vận hành trong tháng 6/2024, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu.

9X bắt rêu hoang ngủ đông, thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng

Một cách tỉ mỉ và chính xác, Nhật Hoàng bắt các loại rêu hoang ngủ đông theo ý muốn rồi biến chúng thành những bức tranh tuyệt đẹp, sống động như một hệ sinh thái thu nhỏ.

1 triệu ha lúa chất lượng cao thu 9 triệu tấn gạo: Chưa trồng đã đắt khách mua

Trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL vẫn là đề án đang trong quá trình hoàn thiện của Việt Nam. Khi hay tin nước ta sẽ có 9 triệu tấn gạo chất lượng cao, nhiều quốc gia muốn đặt mua đơn hàng lớn.

Khách sạn ồ ạt rao bán dù khách du lịch tăng cao

6 tháng đầu năm, mặc dù lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đều tăng trưởng ấn tượng nhưng các cơ sở lưu trú vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí khách sạn 4-5 sao tại các trung tâm du lịch còn bị rao bán hàng loạt.