Sau thời gian dài không như mong đợi, Heineken "dứt tình" với Sabeco
Heineken sở hữu hơn 5% cổ phần của Sabeco khi doanh nghiệp này IPO năm 2008, hy vọng thành cổ đông chiến lược tan biến sau khi Thaibev mua Sabeco năm 2018.
Sabeco còn là “ngôi sao”?
Trong phiên giao dịch sáng 14.10, hơn 26,6 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã được thỏa thuận trao tay với mức giá 184.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch vào khoảng gần 4.900 tỉ đồng.
Số cổ phần trao tay thỏa thuận ở trên đang được đặt nghi vấn thuộc về nhóm cổ đông Heineken. Từ ngày hôm qua, thị trường rộ lên tin Heineken đang muốn bán 25,2 triệu cổ phần SAB của Sabeco với giá 184.000 đồng/cổ phần, được dẫn lại từ Bloomberg. Trong khi đó, Able Win Gain Limit, thuộc nhóm cổ đông Heineken, trước đó đang nắm giữ hơn 25,2 triệu cổ phiếu SAB, tương ứng tỷ lệ 3,93%.
Trước đó vào tháng 11.2019, cổ đông liên quan đến Heineken đã bán ra xấp xỉ 5,2 triệu cổ phiếu Sabeco, qua đó giảm lượng sở hữu xuống còn 27,68 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,32%) và không còn là cổ đông lớn tại Sabeco.
Thời gian gần đây, Sabeco liên tục vướng tin đồn về việc đang tìm kiếm nhà đầu tư để "chuyển nhượng" cổ phần Sabeco. Ảnh: TL |
Mức giá mà Heineken bán ra vào thời điểm đó lên tới 234.400 đồng/ cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị 1.219 tỉ đồng. Thị giá SAB cuối phiên sáng ngày 14.10 ở mức 190.400 đồng/cổ phiếu, giảm gần 15% so với hồi đầu năm.
Theo báo cáo thường niên 2019 của Heineken N.V., công ty bia Hà Lan ghi nhận khoản đầu tư vào Sabeco năm 2018 ở mức 331 triệu euro, năm 2019 chỉ còn 241 triệu euro. Tính theo tỷ giá ngày hôm nay thì giá trị tương ứng là gần 9.235 tỉ đồng và 6.730 tỉ đồng.
Thời gian gần đây, Sabeco liên tục vướng tin đồn về việc đang tìm kiếm nhà đầu tư để "chuyển nhượng" cổ phần Sabeco. Tháng 5 vừa qua, đơn vị này phải tự lên tiếng phủ nhận thông tin vì cho rằn gảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Sabeco. Theo đại diện Sabeco, thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất cao.
Theo đại diện ThaiBev, “Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường cốt lõi của ThaiBev và là một phần không thể thiếu trong mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu ổn định và bền vững trong ngành công nghiệp nước giải khát khu vực ASEAN”
Heineken từng "khát khao" Sabeco
Heineken đã đầu tư vào Sabeco từ năm 2008 khi doanh nghiệp này tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và nhiều lần bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược khi nhà nước thoái vốn.
Nhưng Heineken đã không thể nhanh chân bằng ThaiBev. Thấy được tiềm năng của thị trướng Việt Nam, tập đoàn Thai Beverage thông qua công ty con tại Việt Nam là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vietnam Beverage bỏ ra số tiền 5 tỉ USD, tương ứng với mức đấu giá vào cuối năm 2017 là 320.000 đồng/cổ phiếu.
Cơ cấu sở hữu của Sabeco hiện nay là ThaiBev với tỷ lệ nắm giữ 53,59%, tiếp sau là Bộ Công Thương với 36% cổ phần. Tuy nhiên, vào cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco về SCIC.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình kinh doanh của Sabeco không khả quan do tác động của đại dịch COVID-19. Doanh thu công ty chỉ đạt 12.000 tỉ đồng, giảm 35% và lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.000 tỉ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với động thái rút lui của Heineken và thoái lượng lớn cổ phần của SCIC, ai sẽ mua cổ phần tiếp theo của Sabeco? Nhiều nghi ngờ rằng đại gia Budweiser APAC sẽ là cái tên đứng đầu trong danh sách. Trên báo Financial Times chuyên viên phân tích của hãng Bernstein, ông Euan McLeish cho rằng: "Budweiser APAC không giấu tham vọng mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Thách thức là rất khó có thể tìm được một mức định giá phù hợp cho Sabeco mà có thể làm hài lòng tất cả", ông McLeish nói.
Diễn biến bất ngờ tại Sabeco giúp tỷ phú Thái có thêm gần 17 nghìn tỷ đồng
Thông tin Bộ Công thương chuẩn bị thoái vốn khỏi Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã ngay lập tức tác động tích cực tới giá cổ phiếu SAB.
Theo nhipcaudautu.vn