Nông dân chế cáp treo "chở" vải thiều vượt suối, qua núi
Nhờ hệ thống ròng rọc, cáp treo dài hơn 150m vượt qua suối rộng, khe sâu chở vải về nên năm nay anh Lăng Văn Yên (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) không phải vất vả vận chuyển vải.
Đó là cách làm của anh Lăng Văn Yên (sinh năm 1980), dân tộc Nùng ở bản Khuôn Nghiều, xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Hộ anh Lăng Văn Yên có hơn 100 gốc vải thiều trồng từ năm 1996. Mỗi năm vườn vải cho gần chục tấn quả. Do trồng trên núi cao nên việc chăm sóc, thu hoạch vải rất vất vả.
Anh Yên và hệ thống cáp treo. |
“Vợ chồng tôi phải vác từng bao phân bón nặng qua suối, qua khe, vượt dốc cheo leo mới lên đến vườn. Khi được thu hoạch lại phải còng lưng gánh từng sọt vải xuống núi, nhiều khi trượt ngã, vải dập nát, xót công lắm. Đặc biệt, nếu lũ về là không lên vườn chăm cây được”, anh Yên tâm sự.
Trước khó khăn đó, anh Yên đã tìm hiểu và biết được ở huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) người trồng na trên núi cao đã làm ròng rọc, cáp treo để vận chuyển vật tư chăm bón và quả xuống núi rất thuận tiện. Anh Yên đã lên tận nơi để học hỏi cách làm và điều khiển hệ thống này.
Vải thiều được tập kết ở “bến cáp” trước khi đưa xuống núi. |
Sau nhiều ngày ấp ủ, cuối tháng 5 vừa rồi, anh đã bỏ kinh phí hơn 10 triệu đồng (chưa kể tiền công) để xây dựng hệ thống ròng rọc, cáp treo dài hơn 150m của gia đình, vượt qua suối rộng, khe sâu đưa vải về nhà. “Năm nay thu hoạch vải rất nhàn, chỉ việc thả phanh hãm bánh đà ròng rọc là sọt vải sẽ tự chạy xuống tận sân. Nếu đưa phân bón lên núi tôi chỉ việc đóng cầu dao điện là dây cáp sẽ đưa hàng lên, không phải bê vác như trước nữa”, anh Yên vui vẻ nói.
Được biết, Lục Ngạn có gần 30 nghìn ha vải thiều, trong đó có hàng nghìn ha vải được trồng trên địa hình sông, suối, đồi núi dốc không thể làm đường cho xe đến nơi vận chuyển được như ở xã Hộ Đáp. Do đó, việc xây dựng cáp treo vận chuyển sản phẩm như của anh Yên mang lại hiệu quả.