Ngân hàng tư nhân cắt giảm chi phí công vụ, hội họp, nhà băng big 4 vẫn tăng đều
So với con số hàng nghìn tỷ chi cho hội họp, sự kiện, khánh tiết của ngân hàng nhóm Big4, khối ngân hàng tư nhân chi tiêu chặt chẽ hơn hẳn, có những khoản mục chi chỉ bằng vài % so với ngân hàng gốc quốc doanh
Vietcombank không diễn giải chi tiết các khoản chi trong hoạt động quản lý công vụ, nhưng báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy ngân hàng đã chi 3.380 tỷ đồng, tăng mạnh 58% so với cùng kỳ và chiếm 36% chi phí hoạt động của nửa đầu năm nay, đồng thời trở thành ngân hàng có mức chi lớn nhất.
Với BIDV, 6 tháng đầu năm nay nhà băng này chi 1.429 tỷ đồng cho hoạt động quản lý công vụ, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó: chi công tác phí 48,23 tỷ đồng (tăng gần 7 tỷ đồng); chi hoạt động đoàn thể 3,184 tỷ đồng, giảm 1,4 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Xét về con số tuyệt đối, VietinBank chi thấp nhất trong nhóm các “ông lớn” với 1.355 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, nhưng vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 19% tổng chi phí hoạt động của ngân hàng. Trong đó, chi công tác phí 45,866 tỷ đồng (tăng 2,4 tỷ đồng); chi về các hoạt động đoàn thể 6,87 tỷ đồng, và khoản “Chi khác” lên đến 1.302 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân cắt giảm chi tiêu
So với con số chi hàng nghìn tỷ cho hội họp, sự kiện, khánh tiết của ngân hàng nhóm Big4, khối ngân hàng tư nhân chi tiêu chặt chẽ hơn hẳn.
Dù là ngân hàng có vốn điều lệ và lợi nhuận vượt trội, nhưng Techcombank chỉ chi 22,743 tỷ đồng cho công tác phí trong 6 tháng đầu năm nay, tăng hơn 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cả năm ngoái, Techcombank chi 42,859 tỷ đồng cho hội nghị, lễ tân, khánh tiết; 54 tỷ đồng cho công tác phí.
Một “ông lớn” khác trong nhóm ngân hàng tư nhân là VPBank cho thấy đã hạn chế đến mức thấp nhất chi cho công tác phí, với chỉ 3,07 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, tương đương mức chi của nửa đầu năm 2020 (năm 2020: 9,9 tỷ đồng; năm 2019: 21,5 tỷ đồng).
Tuy nhiên, việc VPBank hạch toán các khoản chi trích lập dự phòng đầu tư dài hạn và phải thu khó đòi vào chi phí cho hoạt động quản lý công vụ dẫn đến khoản chi này trong 6 tháng đầu năm tăng 39%, lên hơn 346 tỷ đồng.
Trích BCTC bán niên của Sacombank. |
Còn Sacombank sau khi tiết giảm hơn 5% trong năm 2020 đã tăng chi 7,6% cho hoạt động quản lý công vụ nửa đầu năm nay, nhưng chỉ chiếm 12% tổng chi phí hoạt động, đạt 570 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Sacombank không diễn giải chi tiết các khoản chi hội nghị, lễ tân, khánh tiết, điện nước, vệ sinh cơ quan,… như năm 2020, nhưng chi cho công tác phí chỉ vỏn vẹn 8,9 tỷ đồng, chi về các hoạt động đoàn thể 4 tỷ đồng, giảm lần lượt 1 tỷ đồng và 6 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Ngân hàng MB sau năm 2020 cắt giảm 30% cho công tác phí thì đến 6 tháng đầu năm nay không công bố chi tiết con số này. Thay vào đó, ngân hàng lại tăng 41% cho hoạt động quản lý công vụ, lên mức 882 tỷ đồng.
Con số này tương đương mức chi của Ngân hàng ACB, với 856 tỷ đồng cho hoạt động quản lý công vụ. Trong đó, chi công tác phí chỉ là 7,126 tỷ đồng (tăng 1,2 tỷ đồng) và chi về các hoạt động đoàn thể của ngân hàng chỉ 212 triệu đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Ở mức thấp hơn đáng kể, HDBank tăng chi 26% cho hoạt động quản lý công vụ lên 484 tỷ đồng. Trong đó, chi công tác phí 19,74 tỷ đồng (tăng 4 tỷ đồng) và chi các hoạt động đoàn thể chi 282 triệu đồng.
Trong nhóm này, VIB là ngân hàng có mức chi thấp nhất cho hoạt động quản lý công vụ với chỉ 272,144 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 44% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, VIB lại không diễn giải chi tiết từng hạng mục trong khoản chi phí công vụ này.
Việc các ngân hàng TMCP khối tư nhân giảm chi tiêu cho hoạt động quản lý công vụ, trong đó bao gồm chi cho công tác phí và hội nghị, có thể một phần là do dịch bệnh khiến nhiều hoạt động diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Ngân Giang
Agribank chi gần 2.000 tỷ cho hội nghị, lễ tân, khánh tiết trong 1 năm, các ngân hàng trong nhóm Big4 còn lại thì sao?
Cùng là những ngân hàng quốc doanh, xét về tổng thể hiệu quả hoạt động dựa trên chỉ số CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) có sự chênh lệch đáng kể giữa 4 ngân hàng.