Thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Văn: 9 chữ cần nhớ trong giai đoạn ôn 'nước rút'
Từ kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn, cô Nguyệt Nga cho biết thí sinh nên thực hiện 9 chữ sau đây trong giai đoạn "nước rút": Chắc kiến thức- Thạo kĩ năng – Giỏi chiến thuật.
Chắc kiến thức là yêu cầu đầu tiên thí sinh cần đạt trong giai đoạn này bởi không có kiến thức các em không có “vật liệu” để “thi công” bài thi Ngữ văn. Kiến thức phải chắc chắn, nghĩa là phải hiểu đúng, đủ, thậm chí hiểu sâu các khái niệm, nội dung văn học, tiếng Việt, làm văn.
Kiến thức các em cần nắm chắc có thể chia thành 3 nhóm theo cấu trúc đề thi như sau:
- Kiến thức đọc hiểu: Bao gồm những hiểu biết về thể loại văn học, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, các biện pháp tu từ (từ vựng, cú pháp)…
- Kiến thức xã hội là những hiểu biết về đời sống, hiện tượng xã hội, tư tưởng đạo lý gần gũi, liên quan đến tuổi trẻ.
- Kiến thức văn học: Bao gồm những hiểu biết các tác giả, tác phẩm văn học (chủ yếu trong chương trình Ngữ văn 12 hiện hành), cần nắm chắc đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo, những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm hoặc trích đoạn tiêu biểu.
Thạo kĩ năng là yêu cầu thứ 2 cần nhớ trong giai đoạn này. Thí sinh có kiến thức nhưng nếu không thuần thục kĩ năng làm bài rất khó để đạt được kết quả tốt, bởi kĩ năng chính là sự chuyển hóa những kiến thức vào trong những hành động tư duy và thực tiễn cụ thể.
Các em cần rèn luyện để đạt được các kĩ năng cơ bản sau:
- Kĩ năng đọc hiểu: Bao gồm kĩ năng đọc và thể hiện kết quả đọc. Với kĩ năng đọc, các em nên đọc câu hỏi trước rồi đọc ngữ liệu để việc đọc có định hướng, tiết kiệm thời gian làm bài. Trong quá trình đọc nên chú ý vào những yêu cầu cần thực hiện trong đề bằng việc gạch chân những từ khóa mà câu hỏi nêu ra, từ đó đánh dấu các thông tin, hình ảnh, từ ngữ… cần tìm trong ngữ liệu. Khi đọc, bên cạnh việc nhận diện thông tin, các em cần kết nối thông tin trong các phần của văn bản để cắt nghĩa, lí giải.
Với kĩ năng thể hiện kết quả đọc, thí sinh cần viết ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, đúng trọng tâm câu hỏi. Với câu hỏi bày tỏ quan điểm về một vấn đề được đặt ra trong văn bản, các em cần kết hợp các thông tin trong văn bản và hiểu biết cá nhân để viết, có thể bày tỏ các quan điểm khác nhau tùy theo suy nghĩ cá nhân nhưng cần thuyết phục, tức là phải có lí lẽ, dẫn chứng.
- Kĩ năng viết đoạn nghị luận xã hội: Bao gồm việc xác định vấn đề nghị luận (đạo lí hay hiện tượng xã hội) để từ đó có các thao tác tư duy và nghị luận phù hợp; đảm bảo yêu cầu hình thức và nội dung của một đoạn văn nghị luận xã hội. Đoạn văn cần có luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng cùng cách lập luận hợp lí, logic. Nên viết đoạn Tổng – Phân – Hợp để đảm bảo tính chặt chẽ, cân đối. Đoạn văn cần thể hiện được những hiểu biết xã hội về vấn đề nghị luận đồng thời bày tỏ được quan điểm, thái độ của người viết.
- Kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học: Bao gồm việc tìm hiểu đề để xác định đúng, trúng yêu cầu bài làm; tìm ý và lập dàn ý cho bài viết; triển khai bài viết theo đúng cấu trúc bài văn nghị luận. Trong đó, thí sinh biết viết mở bài, kết bài đủ thông tin cơ bản và hấp dẫn. Thân bài triển khai các luận điểm thông qua các đoạn văn, mỗi đoạn cần diễn giải làm rõ luận điểm và đưa ra các dẫn chứng văn học để minh họa. Các em nên vận dụng kiến thức lí luận, so sánh mở rộng với các tác phẩm khác để có một bài viết sáng tạo.
Giỏi chiến thuật nghĩa là giỏi chiến thuật thi cử, bao gồm chiến thuật xử lí, phân bổ thời gian; chiến thuật kiểm soát cảm xúc; chiến thuật tự tin, bình tĩnh; chiến thuật rà soát, chỉnh sửa bài làm…
Với môn Ngữ văn, theo cô Nguyệt Nga, học sinh cần chú trọng các kiến thức, kĩ năng đọc hiểu, viết đoạn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học. Trong đó, các em cần bám sát các văn bản thơ, truyện, kịch, kí hiện đại trong chương trình Ngữ văn 12 hiện hành về đặc điểm thể loại, nội dung cảm hứng, đặc sắc nghệ thuật để có thể áp dụng đọc hiểu một ngữ liệu tương tự (phần Đọc hiểu) và viết bài nghị luận văn học.
Trong các văn bản văn học, các em lại càng quan tâm hơn những đoạn truyện/thơ/kịch/kí đặc sắc, tiêu biểu, kết tinh được những vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, phản ánh được các giá trị (hiện thực, nhân đạo) hay bút pháp nghệ thuật của nhà văn.
Về những lỗi thí sinh thường mắc khi làm bài thi môn Ngữ văn, cô Nguyệt Nga cho biết từ thực tiễn dạy học, chấm bài kiểm tra và chấm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn, các em thường mắc các lỗi phổ biến sau:
Lỗi về kiến thức: Ở phần Đọc hiểu, các em hay mắc lỗi nhận diện phương thức biểu đạt hoặc biện pháp tu từ. Ở phần viết đoạn nghị luận xã hội, lỗi chủ yếu là thiếu hoặc đưa sai dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu, không xác thực.
Lỗi về diễn đạt: Câu trả lời các câu hỏi đọc hiểu còn lan man, không đúng trọng tâm. Với đoạn/bài nghị luận, còn thiếu tính liên kết giữa các câu/phần trong đoạn/bài văn; luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng nhiều khi không gắn kết với nhau; còn viết sai ngữ pháp, chính tả.
Hoàng Thanh