Theo tiêu chí mới, Lâm Đồng phải lùi thời gian đạt chuẩn nông thôn mới tới 2 năm
Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Chinh cho hay, trước đây nếu xét theo bộ tiêu chí cũ thì Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2020 sẽ thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng hiện nay theo bộ tiêu chí mới thì không thể đạt được. Bởi lẽ, theo bộ tiêu chí cũ thì phải có 80% huyện đạt chuẩn và nếu huyện đạt chuẩn nông thôn mới thì gần 75% số xã sẽ đạt chuẩn còn bây giờ tiêu chí mới lại yêu cầu là phải đạt 100% số xã đạt chuẩn là khó.
“Chúng tôi cũng đã có ý kiến về bộ tiêu chí mới này, nếu xét một cách công tâm, các tỉnh ngoài bắc như Thái Bình, Nam Định thì huyện đạt chuẩn thì dễ vì diện tích nhỏ, dân lại sống tập trung, nhưng nếu là các tỉnh Tây nguyên hoặc miền núi thì yêu cầu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ rất khó vì dân cư bố trí thưa thớt do đó nên phân vùng để xác định. Nếu phân vùng thì họ sẽ cố gắng nỗ lực để đạt chuẩn vì họ có 75% số xã đạt chuẩn thì sẽ dùng nguồn lực còn lại để kéo 25% số xã chưa đạt để đạt chuẩn. Còn bây giờ bắt họ dàn hàng ngang ra và thực hiện 100% số xã như vậy là rất khó. Nhưng bây giờ Trung ương dứt khoát là không đồng ý dù chúng tôi đã phân tích những lý do và đưa ra những khó khăn như vậy”, ông Chinh nói.
Nước sạch là một tiêu chí mới thay đổi về chỉ tiêu đạt khiến Lâm Đồng cũng gặp khó. |
Phân tích thêm ông Chinh cho hay, các tỉnh đồng bằng thì con số 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới là hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng nếu lên miền núi là thua nên phải đặt vấn đề đó lên vì đầu tư ở miền núi không phải đơn giản do hạ tầng đắt đỏ, sản xuất cũng không đơn giản, hơn nữa lại chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống.
Mặt khác, vị Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định, bây giờ yêu cầu đạt chuẩn cũng không đơn giản. Quyết định 1980 có 49 chỉ tiêu, trong đó có những chỉ tiêu thực hiện không phải đơn giản như chỉ tiêu về hình thức tổ chức sản xuất (phải có Hợp tác xã, có liên kết…); yếu tố môi trường cũng có nhiều chỉ tiêu trong đó chỉ tiêu nước sạch phải đạt trên 50%.
“Vấn đề này chúng tôi hết sức thắc mắc vì chúng tôi có ra các tỉnh phía Bắc tham quan và hỏi xem họ lấy nước sạch ở đâu thì họ bảo là nước trời thôi (nước mưa), dân cũng xây bể để hứng nước trời chứ làm gì có máy tập trung để cung cấp cho các xã được nhưng mình phải vận dụng coi như chuyện xử lý nước trời mưa hay là lấy nước giếng khoan bơm lên xử lý thì cũng coi như vậy. Còn thực ra nước sạch là phải có nhà máy tập trung xử lý mới tốt được…”, ông Chinh dẫn chứng.
Chương trình nước sạch hiện nay tỉnh Lâm Đồng mới đạt tỷ lệ không cao, 21,7%, vậy mà mục tiêu đưa ra đến năm 2020 đạt 50% là có mấy vấn đề: Nước sạch nếu có cơ chế hỗ trợ cho các nhà máy nước để họ đấu nối thì cái đó mới bền vững. Tức ngoài cấp nước trong đô thị thì cần phải đấu nối đến các huyện, các xã. Vì thế, ở Lâm Đồng thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc đấu nối và xã hội hóa hệ thống nước sạch.
“Đưa ra nhiều tiêu chí cao lắm. Theo tiêu chí mới của Trung ương ban hành, Lâm Đồng phải lui lại 2 năm nữa, tức là tới năm 2022 mới phấn đấu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Nếu theo bộ tiêu chí 491 cũ thì chỉ đến năm 2020 Lâm Đồng đạt được tỉnh chuẩn nông thôn mới. Nói thật, nếu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới có phải thành tích không? Không phải mình đặt nặng chuyện đó, nhưng nếu Tỉnh ủy, Ủy ban đạt được thì có cái rất sâu sắc, anh đã đạt mục tiêu thì phải cố gắng làm, nếu làm được hay không được thì người dân đều được nhờ, đó là mục tiêu tối thượng”, ông Chinh cho hay.
Vì thế, theo ông Chinh cần phải rà soát lại quy hoạch từ huyện đến tỉnh, rà soát quy hoạch nông thôn mới, gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp… việc rà soát sẽ lộ ra hạ tầng kinh tế xã hội, đường sá kết nối như thế nào. Cần rà soát bố trị lại trường học, y tế, chợ…
Phát triển sản xuất tiếp tục triển khai theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, sẽ tạo việc sản xuất tái cấu ngành nông nghiệp sẽ tốt hơn. Kinh tế Hợp tác xã hiện cần nhiều cơ chế hơn để hỗ trợ họ hình thành, chính quyền không thể áp đặt cho Hợp tác xã hình thành mà là phải do người dân tình nguyện. Muốn người dân tình nguyện thì người ta phải thấy cái lợi, mà hiện người dân chưa nhìn thấy hết cái lợi, họ nghĩ vào Hợp tác xã chẳng qua do Nhà nước vận động.