Thêm một bài Toán tiểu học gây 'nhức não': 32 - 1 = 31 bị chấm 0 điểm, là cô giáo sai hay trò sai
Có những bài Toán khiến học sinh, sinh viên tốt nghiệp từ các trường nổi tiếng, thậm chí là giáo sư đại học cũng rất lúng túng.
Nếu để ý đến bài tập về nhà của học sinh tiểu học, bạn sẽ thấy không phải bài nào của các em cũng "dễ như ăn kẹo". Có những bài Toán khiến học sinh, sinh viên tốt nghiệp từ các trường nổi tiếng, thậm chí là giáo sư đại học cũng rất lúng túng.
Mới đây, một trường tiểu học ở Trung Quốc đã tổ chức kỳ thi kiểm tra môn Toán lớp 3, và một trong những đề bài 5 điểm đã gây ra nhiều tranh cãi. Đề bài như sau: Số tuổi của Tiểu Minh là 8. Tuổi mẹ năm sau gấp bốn lần tuổi con. Hỏi mẹ Tiểu Minh bao nhiêu tuổi?
Về câu hỏi này, câu trả lời của học sinh đại khái được chia thành hai dạng, một là dùng 4 nhân 8 được 32, dùng 32 trừ đi 1 (năm) để được 31 tuổi. Hai là dùng 8 cộng với 1 (năm) được 9, rồi 9 nhân 4 được 36, 36 trừ 1 (năm) được 35 tuổi, tuổi mẹ là 35 tuổi. Số học sinh trả lời 31 nhiều hơn 35. Các giáo viên đã thống nhất đáp án, tất cả câu trả lời 31 bị coi là sai và cho điểm 0, câu trả lời đúng là 35 được chấm 5 điểm.
Nhiều phụ huynh không hiểu sau khi xem giấy thi của con: Tại sao con làm đúng lại bị 0 điểm? Cuối cùng cô giáo cũng đưa ra đáp án nhưng vẫn khiến phụ huynh thấy khó hiểu.
Trên thực tế, câu hỏi này là khá mập mờ. Vế thứ hai trong tiêu đề "tuổi mẹ năm sau gấp bốn lần tuổi con" có thể hiểu là hai nghĩa: Một là tuổi mẹ năm sau gấp bốn lần tuổi Tiểu Minh năm nay, cũng có thể hiểu là tuổi của Tiểu Minh năm sau. Nếu học sinh hiểu theo nghĩa thứ nhất thì câu trả lời là 31 tuổi, nếu học sinh hiểu theo nghĩa thứ hai thì tuổi mẹ phải là 35 tuổi.
Cô giáo sau đó cũng giải thích: Tuổi mẹ năm sau gấp 4 lần tuổi con, đề bài không nói rõ tuổi của Tiểu Minh là năm nay hay năm sau, nên theo cách hiểu thông thường thì là tuổi vào năm tới, vì vậy câu trả lời phải là 35 tuổi.
Đáp án này của cô giáo khiến phụ huynh vẫn thấy vô cùng khó hiểu. Họ cho rằng con mình không sai, lỗi là ở khâu ra đề. Như thế này chẳng khác nào là đánh đố, khiến học sinh bị mất điểm oan uổng.
Một số người cho rằng mục đích của lớp học Toán là để phát triển tư duy não bộ của học sinh, vận dụng những gì đã học được nhiều hơn. Nhưng nếu đề ra quá đánh đố, lắt léo sẽ có tác động tiêu cực, bởi vì học sinh sẽ thường mắc lỗi, và lâu dần, các bạn sẽ mất hứng thú học tập.
Theo nhipsongviet.toquoc.vn