Vì sao người Triều Tiên đào tẩu bất chấp nguy hiểm trở về nước sau thời gian sống ở Hàn Quốc?
Lý do công dân Triều Tiên đào tẩu bỏ về nước sau hơn 1 năm sống ở Hàn Quốc vẫn là điều bí ẩn, do người này 2 lần mạo hiểm tính mạng để vượt qua DMZ.
Các quan chức Hàn Quốc nhận định người đàn ông vừa vượt biên trở về Triều Tiên cũng chính là người đã băng qua vùng phi quân sự (DMZ) vào năm 2020 để vào Hàn Quốc. Được biết, cuộc sống của nam công dân Triều Tiên đào tẩu tại Hàn Quốc là quãng thời gian nghèo khó và cô độc.
Hồi tháng 11/2020, một cựu vận động viên thể dục Triều Tiên đã trèo qua hàng rào dây thép gai ở vùng biên giới được đánh giá là trang bị vũ khí hạng nặng nhất trên thế giới để tiến vào lãnh thổ Hàn Quốc mà không hề bị lực lượng biên phòng phát hiện. Khi Hàn Quốc phát hiện sự việc, lực lượng biên phòng Hàn Quốc đã nhanh chóng truy tìm. Nhưng tới tận ngày hôm sau, nam công dân Triều Tiên đào tẩu mới được tìm thấy. Vụ việc trở thành một trong những vết nhơ khó quên nhất của quân đội Hàn Quốc suốt nhiều năm.
Binh sĩ Hàn Quốc làm nhiệm vụ canh gác ở DMZ. (Ảnh: AP) |
Vào ngày 1/1 năm nay, nam công dân Triều Tiên lại một lần nữa qua mặt quân đội Hàn Quốc để thực hiện hành trình trở về quê hương bằng cách trèo qua hàng rào dây thép gia và băng qua DMZ.
Theo New York Times, vụ vượt biên khó tin của nam công dân Triều Tiên không chỉ cho thấy lỗ hổng an ninh của Hàn Quốc ở vùng biên giới, mà còn làm dấy lên câu hỏi vì sao người này lại 2 lần mạo hiểm tính mạng để vượt biên sang Hàn Quốc nhưng lại chọn cách trở về quê sau hơn 1 năm sinh sống ở đất khách.
“Chúng tôi xin lỗi vì đã khiến người dân phải lo lắng. Chúng tôi sẽ nỗ lực để chuyện tương tự không tái diễn”, Tướng Won In-choul, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc nói trong phiên đầu trần hôm 5/1.
Cũng tại phiên điều trần, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook xác nhận cơ quan này tin rằng người vượt biên chính là cựu vận động viên thể dục Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 2020.
Chính phủ Hàn Quốc không công khai danh tính người này. Tuy nhiên, một số công dân Triều Tiên đào tẩu tiết lộ đối tượng có tên Kim Woo-joo (29 tuổi). Khi sống ở Hàn Quốc, Kim Woo-joo hầu như không có bạn bè và lý do người đàn ông trở về Triều Tiên vẫn còn là điều bí ẩn.
Một số nghị sĩ Hàn Quốc nhận định khả năng Kim Woo-joo là điệp viên. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói không có bằng chứng cho thấy nam công dân Triều Tiên là nhân viên tình báo.
Trung tướng Jeon Dong-jin, người đứng đầu nhóm điều tra vụ việc công dân Triều Tiên đào tẩu bỏ về nước, nhấn mạnh có hàng loạt lỗ hổng an ninh khiến đối tượng có thể vượt qua DMZ.
Cụ thể, một chiếc camera an ninh của quân đội Hàn Quốc đã phát hiện hình ảnh đầu tiên về nam công dân Triều Tiên vào lúc 13h ngày 1/1, khi người này đi bộ về phía nam DMZ trong khu vực ở tỉnh Gangwon vốn cấm dân thường lui tới. Loa phát thanh đã phát cảnh báo, nhưng quân đội Hàn Quốc không có thêm động thái, sau khi người đàn ông dường như thay đổi lộ trình và đi về phía ngôi làng gần đó.
Sáu tiếng sau, người này đã trèo qua hàng rào đầu tiên ở phía nam DMZ và 3 chiếc camera ở hiện trường đã ghi lại được hình ảnh. Tuy nhiên, chỉ có 1 binh sĩ Hàn Quốc làm nhiệm vụ giám sát hình ảnh trên 9 chiếc camera qua màn hình một chiếc máy tinh nên đã bỏ sót hình ảnh. Hệ thống cảm biến lắp trên hàng rào cũng đã phát cảnh báo, nhưng nhóm công tác cho rằng đó chỉ là báo động sai.
Tiếp sau nhiều giờ tức là vào ban đêm, thiết bị xác định nhiệt lượng của quân đội Hàn Quốc phát hiện người đàn ông đã di chuyển vào sâu bên trong DMZ và trên hành trình về Triều Tiên.
Bốt canh của quân đội Triều Tiên sát biên giới Hàn Quốc. (Ảnh: AP) |
Nguy hiểm nhưng vẫn trở về
Có khoảng 34.000 công dân Triều Tiên bỏ trốn sang Hàn Quốc sinh sống. Song có 30 người đã bí mật trở về Triều Tiên trong 10 năm qua. Một số người được cho rời khỏi Hàn Quốc để tránh các cáo buộc hình sự. Một số người khác có thể không thích ứng được với cuộc sống siêu cạnh tranh ở Hàn Quốc, nơi những người đào tẩu bị đối xử như công dân hạng hai. Đây cũng được cho là lý do khiến nam công dân Triều Tiên mạo hiểm vượt DMZ để trở về Triều Tiên sau hơn 1 năm sinh sống ở Hàn Quốc.
Giống như những công dân Triều Tiên đào tẩu khác, Kim Woo-joo sau khi tới Hàn Quốc đã đổi tên thành Kim Woo-jeong. Người này dường như đã gặp khó khăn cả khi sống ở Triều Tiên và Hàn Quốc.
Trước đây, khai báo với chính phủ Hàn Quốc, Kim Woo-joo nói anh ta rời khỏi Triều Tiên để trốn tránh người bố dượng bạo hành. Vào thời điểm có mặt trên lãnh thổ Hàn Quốc, Kim Woo-joo chỉ nặng gần 50 kg và cao hơn 1m50.
Với những nguời Triều Tiên vượt biên, con đường nối biên giới Trung – Triều là lối đi chính nhưng trong giai đoạn dịch Covid-19 xuất hiện, chuyện này là gần như không thể. Bởi để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào lãnh thổ, chính phủ Triều Tiên đã cho tăng cường kiểm soát biên giới và triển khai thêm binh sĩ đi tuần, đồng thời thi hành mệnh lệnh “tiêu diệt”. Do đó, theo các quan chức Hàn Quốc, chính nhờ những kỹ năng khi còn là một vận động viên thể dục đã giúp Kim Woo-joo trèo qua hàng rào dây thép gai dựng cao ở DMZ.
Cuộc sống khó khăn nơi đất khách
Giới chức Hàn Quốc cho biết Kim Woo-joo có rất ít bạn ở Hàn Quốc. Người này làm nhân viên dọn dẹp mà phần lớn là làm ca đêm tại các tòa nhà văn phòng trống rỗng. Kim Woo-joo cũng không giao lưu với những người hàng xóm. Vào ngày 2/1, thời điểm truyền thông Hàn Quốc đưa tin về vụ vượt biên, không người hàng xóm nào hay biết đó là Kim Woo-joo.
Cô Kang Mi-jin, một công dân Triều Tiên sinh sống ở thủ đô Seoul, chia sẻ những trải nghiệm đầu tiên của một người đào tẩu là vô cùng quan trọng.
“Điều quan trọng là công việc họ tìm được ở Hàn Quốc và cách họ được đối xử ở đây. Bởi đó sẽ là điều họ đoán được rằng giấc mơ đổi đời có thành hiện thực”, cô Kang Mi-jin nói.
Những người bạn đầu tiên khi tới sống ở Hàn Quốc thường là những công dân Triều Tiên và họ gặp nhau trong chương trình đào tạo tái định cư kéo dài 12 tuần của chính phủ Hàn QUốc.
Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, có 3.000 người Triều Tiên đào tẩu tới Hàn Quốc mỗi năm và các lớp đào tạo luôn đông học viên. Nhưng khi Triều Tiên phong tỏa biên giới để phòng dịch bệnh, chỉ có 229 công dân Triều Tiên tới Hàn Quốc vào năm 2020. Đây cũng là năm Kim Woo-joo đào tẩu sang Hàn Quốc.
“Anh ta gần như không có bạn học và bạn bè”, ông Ahn Chan-il, người đứng đầu nhóm công dân Triều Tiên đào tẩu tới sống ở Hàn Quốc nói.
Những nhà thờ ở Hàn Quốc, nơi nhiều người Triều Tiên đào tẩu gặp gỡ đồng hương cũng bị giới hạn hoạt động để phòng dịch bệnh lây lan.
Nếu như Kim Woo-joo cảm thấy cô đơn và nghèo khổ ở Hàn Quốc, anh ta không phải là người duy nhất trải qua tình cảnh này.
Bởi theo thống kê, gần 1/4 người Triều Tiên đào tẩu đang nhận khoản trợ cấp từ chính phủ Hàn Quốc để phục vụ các nhu cầu thiết yếu cá nhân, do họ thuộc nhóm có mức thu nhập thấp nhất.
Theo cuộc điều tra của một trung tâm ở Seoul đối với 407 nguời Triều Tiên đào tẩu vào năm 2021, 35% cho biết họ cảm thấy buồn chán, 18,5% có suy nghĩ trở về Triều Tiên do họ nhớ nhà và quê hương.
Dù cuộc sống ở Hàn Quốc không hạnh phúc như tưởng tượng, nhưng nhiều người Triều Tiên vẫn cố ở lại làm việc để có tiền gửi về quê nhà cho người thân thông qua các trung gian người Trung Quốc. Đáng nói, mỗi giao dịch sẽ mất phí tương đương 30% số tiền gửi. Tuy nhiên, do công dân Triều Tiên đào tẩu chỉ làm những công việc tạm thời, nên khi dịch bệnh bùng phát họ trở thành những người dễ mất việc nhất.
Theo Yonhap, Kim Woo-joo sống một mình trong căn hộ thuê có diện tích nhỏ với giá 117 USD/tháng ở phía bắc thủ đô Seoul. Người này nhận số tiền hỗ trợ 418 USD/tháng từ chính phủ Hàn Quốc. Anh ta hiếm khi nấu ăn, sử dụng gas, nước và điện. Ngoài ra, Kim Woo-joo còn có nhiều hóa đơn chưa chi trả tiền thuê nhà và bảo hiểm y tế.
Tính tới ngày 6/1, Triều Tiên cho biết không hay biết gì về chuyện Kim Woo-joo đã trở về nước. Dấu vết mà Kim Woo-joo bỏ lại tại hiện trường đào tẩu cũng rất ít. Theo đó, tại hàng rào nơi Kim Woo-joo trèo qua, các nhà điều tra chỉ tìm thấy dấu chân và vài cọng lông vũ dường như tuột ra từ chiếc áo khoác mùa đông bị dây thép gai xé rách. Các phóng viên khi tới căn hộ Kim Woo-joo sinh sống cũng chỉ thấy không gian trống trơn, cùng tấm chăn được gấp gọn gàng để ở chỗ tập kết rác gần nhà.
Thực hư tên lửa siêu thanh của Triều Tiên sánh ngang với Nga và Trung Quốc?
Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm tên lửa siêu thanh thứ 2, giữa lúc Nga - Trung là hai quốc gia duy nhất được cho sở hữu loại vũ khí siêu tối tân này.
Minh Thu (lược dịch)