Trung Quốc: Trời lạnh không được bật lò sưởi, leo thang bộ thay cho thang máy
Do thiếu điện, nhiều địa phương ở Trung Quốc yêu cầu các tòa nhà không bật lò sưởi nếu nhiệt độ chưa xuống dưới 0 độ C và thang máy chỉ phục vụ từ tầng 4 trở lên.
Tại thành phố Nghĩa Ô thuộc tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, chính quyền địa phương cho tắt hết hệ thống đèn đường chiếu sáng trong vài ngày và yêu cầu các nhà máy chỉ làm việc nửa thời gian so với thông thường.
Chính quyền thành phố Ôn Châu ở tỉnh Chiết Giang cũng yêu cầu một số công ty không bật hệ thống sưởi ấm trong các tòa nhà văn phòng trừ khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C.
Do thiếu nguồn cung điện, nhiều khu vực ở Trung Quốc đang phải phân chia thời gian sử dụng điện cho người dân giữa mùa đông lạnh giá bất thường. (Ảnh minh họa) |
Ở tỉnh Hồ Nam, phía nam Trung Quốc, nhiều công nhân đã phải đi cầu thang bộ do thang máy không có điện để hoạt động.
Theo New York Times, nhiều khu vực rộng lớn trên lãnh thổ Trung Quốc đang cho triển khai chính sách hạn chế mức tiêu thụ điện trong giai đoạn mùa đông, giữa lúc chính quyền Bắc Kinh hướng tới mục tiêu nhanh chóng khôi phục nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Trong khi đó, do thời tiết lạnh giá hơn so với mọi năm, nhu cầu sử dụng điện ở Trung Quốc đang tăng đột biến. Theo đó, các quan chức ở ít nhất 3 tỉnh của Trung Quốc, nơi sinh sống của hơn 150 triệu người, đã ban hành các quy định hạn chế mức tiêu thụ điện, đồng thời đưa ra cảnh báo về khả năng thiếu hụt nguồn cung than đá.
Trên thực tế, nhiều tờ báo Trung Quốc đã đưa tin nhu cầu thu mua than đá đang gia tăng ở trung tâm khai thác than của tỉnh Hà Nam, khi mà hàng dài xe tải nối đuôi nhau ở khu vực cổng của các mỏ than. Nhiều người dân Trung Quốc đã bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ có thể bị chết rét và hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc nhiều lần nhắc lại mục tiêu bảo vệ môi trường đầy tham vọng và khẳng định nguồn cung năng lượng đủ để sưởi ấm trong mùa đông, cũng như phục vụ sản xuất nhằm hồi phục nền kinh tế quốc gia.
“Nói chung, chúng ta có đủ năng lực để đảm bảo không có vấn đề gì về nguồn cung năng lượng ổn định”, ông Zhao Chenxin, Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc nói hôm 21/12.
Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cũng từng tuyên bố Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đi đầu về khí hậu. Trung Quốc sẽ phấn đấu đạt được “tính trung lập của carbon” vào năm 2060. Theo thuật ngữ biến đổi khí hậu, điều này có nghĩa là Trung Quốc phải đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải carbon và giảm thiểu carbon cả công nghệ và tự nhiên như trồng cây.
Nhưng trên thực tế, Trung Quốc vẫn sử dụng tới gần 70% nguồn nguyên liệu hóa thạch mà chủ yếu là than đá để sản xuất điện.
Ngoài ra, các thành phố ven biển của Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào hoạt động nhập khẩu than từ các nhà cung cấp nước ngoài bao gồm từ Australia. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang rơi vào căng thẳng trong năm nay liên quan tới những cáo buộc về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Song các quan chức Trung Quốc phủ nhận nguồn cung than suy giảm từ Australia là nguyên nhân dẫn tới tình tạng thiết điện hiện nay. Bởi phần lớn lượng than nhập khẩu từ Australia được dùng để sản xuất thép và các kim loại khác, chứ không để dùng sản xuất điện.
Hạn chế dùng lò sưởi, thang máy
Thông tin về tình trạng thiếu điện và hạn chế mức tiêu thụ điện ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 12. Hôm 4/12, các quan chức tại tỉnh Hồ Nam cho hay nhu cầu sử dụng điện hàng tháng ở tỉnh này đã tăng gấp đôi so với năm ngoái và sẽ sớm vượt qua khả năng cung cấp của các đường dây truyền tải điện. Thông báo cũng nhấn mạnh, tình trạng thiếu điện ở tỉnh Hồ Nam có thể kéo dài tới mùa xuân năm 2021.
Để đối phó với tình hình, chính quyền địa phương đã áp dụng phân chia thời gian sử dụng điện. Hàng ngày từ 10h30 đến buổi trưa và 16h30 và 18h30, phần lớn đèn trang trí bên ngoài các tòa nhà và biển quảng cáo sẽ bị tắt. Các tòa nhà văn phòng cũng sẽ bị cắt điện vào cuối tuần. Người dân không được dùng bếp điện để nấu nướng.
Trong khi đó, tỉnh Hồ Nam, nơi sinh sống của 67 triệu người, đang trải qua đợt lạnh bất thường trong mùa đông năm nay, khi mà nhiệt độ khu vực xuống dưới 0 độ C vào cuối tuần qua.
Còn tại tỉnh Giang Tây, các quan chức địa phương đã đặt ra khung giờ cao điểm để giới hạn lượng điện tiêu thụ.
Còn thành phố Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang, chính quyền yêu cầu các công ty không cho phép bật hệ thống sưởi cho tới khi nhiệt độ xuống dưới mức 3 độ C và nếu bật hệ thống sưởi, nhiệt độ không được cao quá 60 độ.
Một quận gần thành phố Ôn Châu cho hay, khu vực nhà ăn trong các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và trụ sở tài chính không được bật lò sưởi kể cả trong giờ ăn. Hệ thống thang máy chỉ phục vụ từ tầng 4 trở lên cho tới cuối năm nay.
Tuy nhiên, giải pháp hạn chế tiêu thụ điện của chính quyền Trung Quốc khiến người dân nước này không khỏi lo ngại. Điển hình, tại thành phố Nghĩa Ô, nơi được mệnh danh là trung tâm bán buôn lớn nhất thế giới, chính quyền địa phương đã cho tắt hệ thống đèn đường trong vài ngày, cho tới khi người dân phàn nàn về nguy cơ mất an ninh do đường phố rơi vào cảnh tối om.
“Toàn thành phố tối om và bạn chẳng nhìn thấy gì cả. Trên đường lái xe về nhà mấy ngày hôm trước, tôi đã chứng kiến một vài vụ tai nạn giao thông. Mọi chuyện bạn có thể làm là lái xe chậm lại”, anh Zhang Shaobo, chủ một cửa hàng kinh doanh ở thành phố Nghĩa Ô chia sẻ.
Song hệ thống thang máy và biển hiệu ở các trung tâm thương mại tại thành phố Nghĩa Ô vẫn bị tắt để hạn chế lượng tiêu thụ điện. Một số xưởng sản xuất buộc phải cho công nhân nghỉ từ 2 – 3 ngày/tuần vì thiếu điện, bất chấp việc người lao động phàn nàn họ mới chỉ được quay trở lại công việc để kiếm sống sau khoảng thời gian ở nhà vì dịch bệnh.
Hôm 21/12, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố nhấn mạnh mỗi vùng sẽ áp dụng chương trình hạn chế sử dụng điện khác nhau. Ví dụ, tỉnh Hồ Nam và Giang Tây đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung điện thực sự. Còn tại tỉnh Chiết Giang, chính quyền đại phương tự nguyện cắt giảm lượng điện tiêu thụ.
Trung Quốc cho dừng máy nhận diện khuôn mặt để lấy giấy vệ sinh
Chính quyền Trung Quốc đã cho dừng hệ thống nhận diện khuôn mặt để lấy giấy vệ sinh sau khi người dân lo ngại thông tin cá nhân bị rò rỉ.
Minh Thu (lược dịch)