Trung Quốc 'thuộc lòng' hoạt động của dàn chiến hạm Mỹ trong khu vực?
Mọi hoạt động của dàn chiến hạm Mỹ có thể bị phơi bày dưới sự theo dõi của tàu hỗ trợ tình báo Type 815 lớp Dongdiao của Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc đã cho triển khai tàu hỗ trợ tình báo (AGI) vô cùng hiện đại Type 815 lớp Dongdiao mang tên Haiwangxing tới gần trạm liên lạc hải quân nằm ở bờ biển phía tây Australia vào tuần trước. Theo giới phân tích, hành động này có thể giúp Bắc Kinh thu thập thông tin về dàn chiến hạm Mỹ đang hoạt động ở khu vực.
Type 815 lớp Dongdiao là tàu trinh sát điện tử vô cùng hiện đại trang bị thiết bị cảm ứng có độ nhạy cao để phát hiện tín hiệu điện phát ra từ những chiến hạm đang hiện diện trong khu vực.
Tàu hỗ trợ tình báo Type 815 lớp Dongdiao mang tên Haiwangxing của hải quân Trung Quốc. (Ảnh: AP) |
“Chuyến đi gần nhất của AGI Type 815 tới các vùng biển Australia cho thấy sự xuất hiện của quân đội Trung Quốc ở khu vực đang trở thành sứ mệnh thường xuyên, khi mà Bắc Kinh đang xem Canberra là một đối thủ tiềm tàng do Australia là thành viên của hai liên minh quân sự Aukus và Quad”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Lu Li-shih, cựu huấn luyện viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở thành phố Cao Hùng.
Liên minh Aukus với 3 nước thành viên là Mỹ, Anh và Australia mới được thành lập năm 2021. Aukus được xem là một giải pháp nhằm đối phó với những căng thẳng chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương, nơi Mỹ - Trung đang tăng cường cạnh tranh. Phía Trung Quốc đã vô cùng tức giận và nhấn mạnh Aukus là mối đe dọa “vô trách nhiệm cực lớn” đối với sự ổn định của khu vực.
Theo sáng kiến AUKUS, Mỹ, Anh và Australia sẽ làm việc cùng nhau trong vòng 18 tháng để chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia “nhằm tăng cường năng lực răn đe ở dọc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Cho tới nay chỉ có 6 nước vận hành tàu ngầm hạt nhân trang bị vũ khí nguyên tử gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Anh. Nếu như dự án AUKUS thành công, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân, nhưng không có vũ khí hạt nhân đi kèm.
Còn Bộ Tứ Kim Cương (Quad) với 4 nước thành viên Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia được xem có ý nghĩa quan trọng đối với tầm ảnh hưởng của Washington ở châu Á trong tương lai, đồng thời kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đã miêu tả hành động của tàu Type 815 là “gây hấn”, bởi con tàu của hải quân Trung Quốc đã di chuyển vào sâu phía nam và thậm chí hôm 11/5 còn đi vào khu vực 50 hải lý của trạm liên lạc hải quân Harold E Holt ở thị trấn Exmouth.
Trạm Harold E Holt là căn cứ liên lạc bí mật và quan trọng nhất của hải quân Australia để hỗ trợ cho các tàu ngầm Mỹ và các đồng minh khác.
Sau khi đi qua thị trấn Exmouth, tàu hỗ trợ tình báo của quân đội Trung Quốc đã thay đổi lộ trình và đi về phía đông tới Darwin nằm ở vùng lãnh thổ phương Bắc, nơi quân đội Mỹ hoạt động thường trực, theo thông tin đăng tải trên The War Zone, trang web quân sự Mỹ.
Bộ trưởng Dutton nhận định việc này "rất kỳ lạ" và cho rằng con tàu Trung Quốc đã thu thập được nhiều thông tin tình báo nhất có thể.
Vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Australia đã bác bỏ đề xuất gây tranh cãi về việc sử dụng nhân viên an ninh tư nhân để bảo vệ trạm liên lạc hải quân Harold E Holt.
Hồi tháng 7/2021, một tàu tình báo khác lớp Dongdiao của quân đội Trung Quốc cũng bị phát hiện có mặt ngoài khơi bang Queensland của Australia trong thời gian diễn ra cuộc tập trận Talisman Sabre giữa Mỹ - Australia và có cả sự tham gia của cả hải quân Nhật Bản và Canada.
“Ngày nay, chúng ta đang nói về hoạt động trên mọi miền từ đất liền, trên biển, trên không, trong vũ trụ, mạng và cả điện tử, mà tàu tình báo Type 815 đang đóng vai trò quan trọng trong tác chiến điện tử”, ông Lu nói.
“Khẩu độ radar trên tàu tình báo Type 815 có thể tiếp nhận các tần số và quang phổ khác nhau phát ra từ các tàu chiến của Australia và Mỹ ở khoảng cách xa, và đây là dữ liệu quan trọng đối với lĩnh vực tác chiến điện tử”, ông Lu nói thêm.
Ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ và Khoa học quân sự Yuan Wang, cùng quan điểm cho rằng tất cả hệ thống radar và thiết bị trang bị trên tàu Type 815 hiện đại hơn mọi thiết bị quân sự thông thường. Nhiệm vụ chính của tàu Type 815 là theo dõi quỹ đạo bay của các rocket khi Trung Quốc phóng tên lửa đẩy vào không gian.
“Do các hệ thống tối tân có thể theo dõi và gửi dữ liệu về hoạt động bay của các tên lửa đẩy, tàu Type 815 chủ yếu được dùng để xác định cụ thể vị trí những mảnh vỡ của tên lửa đẩy rơi xuống biển để thu thập và tái sử dụng, nhưng chúng đồng thời có khả năng phát hiện cả các tên lửa siêu thanh”, ông Zhou cho biết.
Ông Zhou cho rằng Australia có thể đã phản ứng thái quá, bởi Canberra không sở hữu tên lửa siêu thanh.
Còn theo một bài viết đăng trên tài khoản WeChat của quân đội Trung Quốc vào ngày 16/5, Bắc Kinh “ngày càng quan tâm tới những thiết bị đặt ở trạm liên lạc Exmouth, sau khi Australia tham gia vào liên minh Aukus của Mỹ”.
Theo bài viết, quân đội Mỹ đã lắp đặt 13 tháp ăng ten ở trạm liên lạc Exmouth với một hệ thống tần số cực kỳ thấp (VLF). VLF có thể xuyên qua mặt nước và dùng tín hiệu kỹ thuật số để liên lạc với các tàu ngầm đang hoạt động dưới nước. Phía Mỹ không chỉ dùng VLF cho mục đích liên lạc hải quân. Bởi từ năm 2014, VLF còn được Mỹ dùng để giám sát các vệ tinh Trung Quốc hoạt động trong quỹ đạo thấp sau khi di chuyển một hệ thống radar khỏi vùng Caribe tới khu vực này.
Nhóm tác chiến tàu sân bay có quy mô khác thường của Trung Quốc tập trận
Nhóm tác chiến tàu sân bay có quy mô lớn bất thường của Trung Quốc do tàu Liêu Ninh dẫn đầu đang tiến hành tập trận ở Thái Bình Dương.
Minh Thu (lược dịch)