Trung Quốc: Ông bà đi học lớp chăm trẻ để các cháu ‘bớt khổ’ khi sinh con thứ 3
Nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con thứ 3, nhiều lớp học dạy ông bà cách chăm trẻ cũng đã được mở ở Trung Quốc.
Tỷ lệ sinh đẻ giảm mạnh kèm theo tốc độ già hóa dân số nhanh chóng đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Trung Quốc và có nguy cơ ảnh hưởng tới mọi mặt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tỷ lệ sinh năm 2020 tại Trung Quốc đã giảm 18% xuống còn 12 triệu trẻ. Trước đó, Trung Quốc có 14,65 triệu trẻ ra đời vào năm 2019.
Trung Quốc khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con để đối phó với cuộc khủng hoảng dân số. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Một số khu vực ghi nhận số trẻ được sinh ra đã giảm hơn 10%. Thậm chí, chính quyền thành phố Trì Châu thuộc tỉnh An Huy cho hay số trẻ được sinh ra trong 10 tháng đầu năm 2021 đã giảm 21% so với một năm trước đó.
Tại các thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân và Giang Tô, tỷ lệ sinh đã ở mức dưới 1% trong hơn 20 năm qua.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Đại học Renmin nhấn mạnh thêm, đại dịch Covid-19 càng gây ra tâm lý lo sợ và khiến những người phụ nữ dưới 30 tuổi không dám sinh thêm con. Theo đó, số lượng trẻ ra đời trong 2 tháng cuối năm 2020 đã giảm 45% so với năm cuối cùng chính sách một con được xóa bỏ là năm 2016.
Giới chuyên gia dự báo dân số Trung Quốc có thể tiếp tục giảm trong đầu năm nay 2022.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng dân số, hồi tháng 5/2021, Trung Quốc đã cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con, đồng thời chấm dứt chính sách sinh 2 con được ban hành cách đây 5 năm. Kể từ đây, chính quyền trung ương và địa phương ở Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến sinh như tăng ngày nghỉ thai sản, hỗ trợ tài chính, mai mối, đông lạnh trứng và đặc biệt là khuyến khích ông bà đi học lớp chăm trẻ để đỡ đần con cháu.
Thêm ngày nghỉ
Theo luật của Trung Quốc, số ngày nghỉ thai sản là 98 ngày. Nhưng hiện tại, hơn 20 tỉnh ở Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng số ngày nghỉ cho những phụ nữ có kế hoạch sinh con.
Như ở tỉnh Hà Nam và Hải Nam, phụ nữ có thể nghỉ 190 ngày sau sinh con. Tại tỉnh Tứ Xuyên và Qúy Châu, người mẹ được nghỉ 158 ngày.
Chưa hết, không ít tỉnh áp dụng chính sách tăng số ngày nghỉ cho thai phụ theo số con được sinh ra. Ví dụ, một bà mẹ ở tỉnh Chiết Giang có thể nghỉ 158 ngày sau sinh. Nhưng con số này sẽ tăng lên thành 188 ngày sau sinh con thứ 2 hoặc 3. Ở tỉnh Hà Bắc, phụ nữ cũng được nghỉ 158 ngày sau sinh con thứ nhất và thứ 2 và tăng lên thành 188 ngày sau sinh con thứ 3.
Dù chính phủ Trung Quốc chưa chính thức ban hành luật cho phép chồng nghỉ sau khi vợ sinh con, nhưng hầu hết các khu vực trên lãnh thổ nước này đã cho người lao động nghỉ ít nhất 15 ngày để chăm vợ. Đặc biệt, tỉnh An Huy và Giang Tây còn cho nam giới nghỉ 30 ngày sau khi vợ sinh con.
Nhưng các chuyên gia lo ngại việc để phụ nữ có thêm ngày nghỉ sau sinh con sẽ khiến nhiều công ty không muốn nhận lao động nữ vào làm việc, trừ khi chính phủ Trung Quốc có thêm các giải pháp khác đi kèm hỗ trợ.
Hỗ trợ tài chính
Một số chính quyền địa phương đã cố gắng tạo tâm lý bớt tốn kém tài chính để khuyến khích các cặp đôi sinh con.
Hồi đầu tháng 12/2021, chính quyền tỉnh Cát Lâm tuyên bố sẽ cho các cặp vợ chồng muốn sinh con vay 200.000 nhân dân tệ (31.400 USD) và lãi suất khoản vay sẽ giảm theo số lượng trẻ được sinh ra.
Hay ở thành phố Nam Thông thuộc tỉnh Giang Tô, những gia đình sinh 3 con có thể được trợ cấp 400 nhân dân tệ/m2, nếu họ có ý định mua nhà trước tháng 3/2022.
Thành phố cảng Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang cũng thông báo sẽ tăng khoản cho vay mua nhà lần đầu tiên từ 600.000 nhân dân tệ lên thành 800.000 nhân dân tệ đối với những gia đình sinh thêm con từ năm 2022.
Các cặp đôi ở huyện Lâm Trạch thuộc tỉnh Cam Túc còn có thể nhận số tiền 5.000 nhân dân tệ/năm khi sinh con thứ 2 và 10.000 nhân đân tệ/năm cho đứa thứ 3 cho tới khi trẻ được 3 tuổi. Những cặp vợ chồng có 2 hoặc 3 con sẽ được mua nhà với khoản hỗ trợ 40.000 nhân dân tệ.
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng giảm áp lực tài chính cho các cặp vợ chồng bằng cách trấn áp nạn dạy và học thêm, cũng như giảm giá nhà đất tại các quận có trường học. Bởi chi phí lớn cho giáo dục được xem là nguyên nhân chính khiến nhiều người ở Trung Quốc không dám sinh thêm con.
Mai mối
Thành phố Loan Châu thuộc tỉnh Hồ Bắc đã xây dựng cơ sở dữ liệu chính thức về những người độc thân trong địa bàn để giúp họ tìm được người phù hợp tiến tới hẹn hò và kết hôn.
Từ giữa tháng 11/2021, các cơ quan chức năng thành phố Loan Châu đã cung cấp thông tin cá nhân như giới tính, nghề nghiệp, tình hình tài chính và nền tảng gia đình trên cơ sở dữ liệu với hy vọng giúp công dân có thêm thông tin để tìm kiếm bạn đời.
Đông lạnh trứng
Hồi tháng 8/2021, ủy ban y tế tỉnh Hồ Nam kiến nghị hợp thức hóa hình thức động lạnh trứng và hiến tặng trứng lên Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Bởi tại Trung Quốc, những phụ nữ chưa kết hôn bị cấm thực hiện đông lạnh trứng và tìm người mang thai hộ.
“Cho phép phụ nữ độc thân đông lạnh trứng kèm theo các điều kiện đang là nhu cầu thực tế. Đầu tiên cho phép họ đông lạnh trứng và sau đó sử dụng số trứng này theo hình thức sinh con hợp pháp là giải pháp mang tính thực tế”, ủy ban y tế tỉnh Hồ Nam nhấn mạnh.
Ông bà đi học chăm cháu
Hồi tháng 10/2021, Đại học Sư phạm Thượng Hải đã mở các lợp dạy ông bà cách chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ chăm sóc trẻ nhỏ để giảm áp lực cho bố mẹ trẻ, những người đang được khuyến khích sinh con thứ 3.
Những khóa học này còn có giáo trình đi kèm nhằm giúp ông bà chăm và dạy cháu một cách khoa học và có hệ thống, đồng thời tạo cầu nối hiểu biết giữa các thế hệ trong nhà.
Sản phụ quyết định mổ đẻ sớm để con kịp gặp người bố sắp qua đời
Sản phụ ở Mỹ quyết định sinh con sớm 3 tuần để đứa trẻ kịp gặp mặt người cha bị ung thư sắp qua đời.
Minh Thu (lược dịch)