Trung Quốc cấm sàng lọc giới tính thai nhi, bệnh viện vẫn vô tư quảng cáo
Dù đã có lệnh cấm, nhưng chuyện sàng lọc giới tính thai nhi vẫn diễn ra ở Trung Quốc và thậm chí có bệnh viện còn công khai quảng cáo dịch vụ.
Giới chức y tế ở thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc đã yêu cầu một bệnh viện ở địa phương dừng thực hiện dịch vụ sàng lọc giới tính thai nhi.
Theo Chongqing TV, hồi đầu tháng này, Bệnh viện Edward, cơ sở y tế tư nhân tại quận Sa Bình Bá thuộc thành phố Trùng Khánh, đã bắt đầu triển khai dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi để giúp các khách hàng muốn sinh con trai hoặc con gái theo yêu cầu.
Sàng lọc giới tính thai nhi vẫn diễn ra ở Trung Quốc dù đã có luật cấm. (Ảnh: Baidu) |
Bệnh viện này đưa 3 gói dịch vụ với các mức giá khác nhau. Theo quảng cáo của Bệnh viện Edwarf, gói dịch vụ y tế đắt tiền nhất được miêu tả sử dụng công nghệ “thiết kế trẻ em LST” kết hợp với “chuyên gia y học cổ truyền” tại bệnh viện để đảm bảo tỷ lệ thành công sinh con mang giới tính theo ý muốn là 99%.
Nói với Chongqing TV, bác sĩ mang họ Yang làm việc tại bệnh viện cho biết bà không biết chính xác công nghệ LST là gì, nhưng bà hiểu công nghệ này được nhập khẩu từ Anh, Đức và Nhật Bản.
Trong khi đó, hai gói dịch vụ còn lại cho khách hàng dùng thuốc uống và vật lý trị liệu. Bà Yang cũng không rõ tác dụng của hai gói dịch vụ này tới đâu.
Cũng theo quảng cáo của bệnh viện, khách hàng và cơ sở y tế sẽ cùng ký một bản thỏa thuận. Nếu dịch vụ thất bại và khách hàng không thể sinh con theo giới tính mong muốn, khách hàng sẽ được nhận lại tiền.
Luật pháp Trung Quốc cấm xác định giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế trừ lý do y tế. Bộ luật này được thông qua cách đây 30 năm, thời điểm Trung Quốc thi hành "chính sách một con" nghiêm ngặt khiến nhiều gia đình có tâm lý muốn sinh con trai để nối dõi tông đường theo quan niệm truyền thống.
Bà Yang nói với các quan chức thanh tra thuộc Ủy ban Y tế quận Sa Bình Bá rằng, cơ sở này thực tế không xác định giới tính thai nhi mà sẽ gửi mẫu máu của thai phụ tới các bệnh viện khác để kiểm tra. Và quan trọng dịch vụ hỗ trợ sinh con theo giới tính mong muốn của Bệnh viện Edward cũng chưa có khách hàng nào sử dụng.
Cuối cùng, các quan chức thành phố Trùng Khánh đã yêu cầu bệnh viện gỡ bỏ quảng cáo.
“Bà không thể quảng cáo dịch vụ như vậy. Dĩ nhiên, bà không được phép thực hiện dịch vụ này”, một quan chức y tế địa phương nói với bà Yang.
Thông tin hỗ trợ sinh con theo giới tính mong muốn ở Bệnh viện Edward được công bố, giữa lúc chính phủ Trung Quốc đã cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 nhằm đối phó với tình trạng tỷ lệ sinh đẻ sụt giảm mạnh và dân số già hóa nhanh chóng.
Trên thực tế, nhiều gia đình ở Trung Quốc bày tỏ mong muốn sinh con đủ nếp đủ tẻ nghĩa là có cả trai và gái.
Trước khi đặc khu hành chính Hong Kong phong tỏa biên giới và không cho du khách từ đại lục đi lại cách đây 2 năm để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, không ít gia đình ở Trung Quốc đại lục đã thuê người sang Hong Kong mang theo mẫu máu của thai phụ để xác định giới tính thai nhi.
Điển hình, vào tháng 2/2019, hải quan quận La Hồ ở thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc đã tịch thu 28 mẫu máu được một người đàn ông để trong túi trong lúc định vượt biên sang Hong Kong để tiến hành sàng lọc giới tính thai nhi.
Theo bản thống kê dân số lần thứ 7 được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hồi tháng 5/2021, tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến các cặp vợ chồng Trung Quốc mong muốn sinh con trai hơn là con gái. Hậu quả, Trung Quốc đang rơi vào cảnh mất cân bằng giới tính nghiêm trọng khi có tới 30 triệu đàn ông không thể lấy được vợ.
Cho tới nay, Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất thế giới với tỷ lệ 100 bé gái có tới 114 bé trai.
Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh tính trung bình trên toàn cầu là 100 bé gái có 105 bé trai.
Đối mặt với tình trạng tỷ lệ kết hôn và sinh con sụt giảm liên tiếp trong những năm gần đây, chính quyền các địa phương Trung Quốc đã tung ra hàng loạt kế hoạch và sáng kiến để khắc phục tình hình. Trong số này, nhiều nơi đã cho xây dựng bộ dữ liệu thông tin để ghép đôi cho công dân, tổ chức các hoạt động hẹn hò, và thậm chí là hỗ trợ chi phí mua nhà dựa trên số con mà một cặp vợ chồng có.
Phụ nữ Trung Quốc nghĩ gì về chuyện ‘không chồng mà chửa’?
Vấn đề sinh đẻ đã cởi mở hơn ở Trung Quốc, nhưng đa phần phụ nữ chưa kết hôn vẫn phản đối chuyện "không chồng mà chửa".
Minh Thu (lược dịch)