Trực thăng Mỹ xuất hiện bí ẩn ở biên giới Ukraine sau khi Nga tuyên bố rút quân
Trực thăng Blackhawk của quân đội Mỹ xuất hiện bí ẩn ở biên giới Ba Lan - Ukraine trong đêm, sau khi Nga tuyên bố rút quân.
Chiếc trực thăng Blackhawk của quân đội Mỹ cất cánh từ một con đường cao tốc nằm gần biên giới Ba Lan – Ukraine vào giữa đêm để đón một số hành khách chưa thể xác định danh tính ngồi trên chiếc SUV màu đen. Ký hiệu của chiếc trực thăng trên hệ thống radar theo dõi hàng không là EVAC01.
RT đưa tin, trực thăng UH-60M với số hiệu ở đuôi là 20-21131 của Mỹ đã cất cánh từ sân bay Mielec ở Ba Lan vào giữa đêm ngày 15/2. Trực thăng sau đó hạ cánh xuống đường cao tốc biên giới Korczowa - Krakovets để đón các hành khách ngồi trên chiếc SUV màu đen.
Một vài người được báo cáo đã rời khỏi ô tô và lên trực thăng. Trực thăng của Mỹ tiếp tục cất cánh và bay về phía tây. Điểm đến của chiếc trực thăng là một bệnh viện ở Rzeszow - Jasionka của Ba Lan.
Theo đài kiểm soát không lưu, sứ mệnh của trực thăng UH-60M là sơ tán y tế. Danh tính các hành khách và bệnh nhân ngồi trên trực thăng vẫn chưa được tiết lộ.
Trực thăng UH-60M xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận ông đã hạ lệnh cho đại sứ quán Mỹ ở Ukraine “tạm thời” di chuyển nhân sự từ Kiev tới Lviv, khu vực nằm gần biên giới Ba Lan, do lo sợ nguy cơ Nga sắp thực hiện tấn công quân sự.
Ẩn số thứ hai trong sự kiện trực thăng Mỹ hạ cánh xuống gần biên giới Ba Lan – Ukraine là chiếc SUV màu đen. Chiếc ô tô đã có mặt ở Yavorov, thành phố gần nhất của Ukraine nằm gần đường cao tốc biên giới Korczowa – Krakovets. Đây cũng là nơi hoạt động của một căn cứ quân sự và là địa điểm các hướng dẫn viên NATO tiến hành đào tạo cho binh sĩ Ukraine từ năm 2014.
Đáng nói, Tổng thống Biden vẫn cho rằng Nga tiếp tục “bao vây Ukraine”, dù Moscow tuyên bố quân đội Nga bắt đầu tiến hành rút quân.
Phát biểu trước các phóng viên vào ngày 15/2 sau khi Nga cho biết đã bắt đầu rút quân khỏi khu vực sát biên giới Ukraine sau thời gian tập trận, ông Biden nhấn mạnh Mỹ “vẫn chưa xác minh” thông tin này.
Ông chủ Nhà Trắng nhận định một cuộc tấn công vào Ukraine có thể vẫn sẽ xảy ra. Cũng theo ông Biden, khoảng 150.000 binh sĩ Nga tiếp tục “bao vây Ukraine”, dù ông không đưa ra bằng chứng để chứng minh.
Quân đội Nga đang rời khỏi Ukraine “sẽ là chuyện tốt, nhưng chúng tôi chưa xác minh được thông tin này”, ông Biden nói.
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng tỏ ra nghi ngờ trước thông tin binh sĩ Nga rút quân khỏi khu vực gần biên giới Ukraine. Thậm chí, một số nhà báo phương Tây đặt ra giả thuyết có thể Nga chỉ đang tái điều chỉnh vị trí để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công.
Về phần mình, Nga nhiều lần lên tiếng phủ nhận có ý định tấn công Ukraine. Theo Moscow, chính NATO cố tình làm leo thang căng thẳng và gây nguy hiểm cho tình hình an ninh ở châu Âu.
Song ông Biden cho hay Mỹ và các quốc gia khác không tạo ra mối đe dọa đối với Nga.
Tổng thống Mỹ nói thêm trong cuộc thảo luận gần nhất với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc khủng hoảng Ukraine, cả hai nhà lãnh đạo đã đồng thuận tiếp tục “theo đuổi con đường ngoại giao cấp cao”.
Nghi ngờ một cuộc “xâm lược” nhằm vào Ukraine sắp xảy ra, ông Biden đe dọa sẽ có hành động “mạnh mẽ”, đồng thời cho hay Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ vũ khí, huấn luyện và tình báo cho Ukraine, nhưng Mỹ sẽ không điều động binh sĩ “chiến đấu cùng quân đội Ukraine”. Ông Biden thừa nhận cuộc xâm lược sẽ dẫn tới “chiến tranh”.
Cũng theo ông Biden, áp đặt thêm lệnh trừng phạt chống lại Nga trong trường hợp Moscow tấn công quân sự Ukraine, nền kinh tế Mỹ không thể tránh khỏi chịu hậu quả như giá bán nhiên liệu gia tăng. Trong khi đây là cuộc khủng hoảng mà Mỹ đã phải đối mặt từ năm ngoái. Do đó, ông Biden đang làm việc với các nhà sản xuất và cung cấp nhiên liệu để đưa ra những phương án thay thế.
Tổng thống Putin trước đó đã cáo buộc Mỹ “phớt lờ” các yêu cầu đảm bảo an ninh. Hồi đầu tháng này, Nga nhấn mạnh “chưa thấy được phản ứng phù hợp đối với các mối quan ngại chính của Moscow như NATO dừng mở rộng địa bàn hoạt động, dừng triển khai các loại vũ khí tấn công sát biên giới Nga, và đưa cơ sở hạ tầng quân sự của NATO về trạng thái năm 1997, thời điểm Nga – NATO ký kết hiệp ước”.
Trong tuyên bố hôm 15/2, ông Biden cho rằng các nước “nên tạo cơ hội thành công cho con đường ngoại giao”.
“Tôi tin có những phương án thực chất giúp giải quyết các mối lo ngại an ninh”, và có nhiều đề xuất đang được đưa ra như “phương án kiểm soát vũ khí mới, phương án đảm bảo tính minh bạch mới, và phương án ổn định chiến lược mới” sẽ được áp dụng cả với Nga và NATO.
Nga phản ứng trước tin Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tới Ukraine
Thông tin Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Ukraine khiến Nga lên tiếng phản đối.
Minh Thu (lược dịch)