Tranh cãi chương trình tặng voucher cho bà bầu đi xe công cộng, đổ xăng ở Seoul
Chương trình tặng voucher hỗ trợ đi xe công cộng hoặc đổ xăng xe cá nhân đối với bà bầu sống ở thủ đô Seoul hiện bị cáo buộc phân biệt đối xử.
Chính quyền thành phố Seoul của Hàn Quốc đang đối mặt với cáo buộc phân biệt đối xử liên quan tới chương trình hỗ trợ chi phí giao thông. Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ mang thai này là một phần trong chính sách tăng tỷ lệ sinh đẻ ở Hàn Quốc.
Theo chương trình hỗ trợ được chính quyền Seoul công bố và có hiệu lực thi hành từ tháng này, toàn bộ phụ nữ mang thai đang sinh sống ở thủ đô của Hàn Quốc trong khoảng thời gian hơn 6 tháng đều đủ điều kiện nhận voucher trị giá 700.000 won (535 USD) để sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hoặc đổ xăng xe cá nhân.
Chương trình hỗ trợ phí giao thông cho phụ nữ mang thai ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc bị cáo buộc phân biệt đối xử. (Ảnh: Korea Times) |
Ước tính 43.000 phụ nữ đủ tiêu chuẩn để được hưởng chương trình hỗ trợ của chính quyền Seoul.
Tuy nhiên, chính sách khuyến sinh này lại đang bị cáo buộc phân biệt đối xử với phụ nữ nước ngoài kết hôn với chồng là người Hàn Quốc. Bởi họ không thuộc diện đủ điều kiện nhận voucher 700.000 won.
Người nước ngoài kết hôn và chung sống với chồng/vợ là người Hàn Quốc có thể nhập quốc tịch, nếu như họ sống ở Hàn Quốc hơn 2 năm, hoặc nếu như cặp đôi kết hôn được hơn 3 năm và sống tại Hàn Quốc hơn 1 năm.
Nhưng trong đa số trường hợp, những gia đình có vợ/chồng là người nước ngoài kết hôn với công dân Hàn Quốc đều sinh con trước, nên họ không đáp ứng được những yêu cầu mà chính quyền Seoul đưa ra. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều cô dâu nước ngoài kết hôn với chồng là người Hàn Quốc không đủ tiêu chuẩn hưởng chương trị trợ cấp phí giao thông.
Theo báo cáo mới nhất được Cục Thống kê Hàn Quốc công bố về các gia đình đa văn hóa ở quốc gia này, chỉ 19,9% trong tổng số 16.421 trẻ chào đời vào năm 2020 có mẹ là người gốc Hàn Quốc. Số còn với tỷ lệ 67% có mẹ là người nước ngoài và không có đăng ký thường trú.
Cũng theo báo cáo trên, 2.609 trẻ chào đời trong những gia đình đa văn hóa sinh sống ở thủ đô Seoul trong năm 2020. Con số này thấp hơn 14,5% so với năm 2019.
Theo Korea Times, phản ứng trước cáo buộc phân biệt đối xử, chính quyền Seoul cho hay theo luật hiện hành, những phụ nữ mang thai là người nước ngoài không đáp ứng được các yêu cầu đã ban hành sẽ không đủ điều kiện hưởng chương trình nhận voucher 700.000 won. Tuy nhiên, chính quyền Seoul sẽ sửa đổi luật để những phụ nữ nước ngoài đang mang thai sinh sống ở thủ đô Hàn Quốc cũng được hưởng chương trình trợ cấp phí giao thông.
Trước đó, vào tháng Một, chính quyền thành phố Seoul đã tiến hành phát tiền hỗ trợ cho những cặp vợ chồng sinh con trong năm 2022, và xem đây là một trong nhiều biện pháp nhằm tăng tỷ lệ sinh đẻ trên cả nước.
Theo tờ Chosun Ilbo, những cặp đôi có con đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2022 đủ điều kiện để nhận khoản hỗ trợ trị giá 2 triệu won (1.650 USD) dưới dạng voucher. Họ có thể nhận voucher theo hình thức trực tuyến hoặc tại các trung tâm cộng đồng ở địa phương. Thời gian sử dụng những voucher này là tới cuối năm 2022.
Chính phủ Hàn Quốc còn gỡ bỏ quy định trước đây ngăn cản các cặp đôi mới sinh con dùng voucher để chi trả chi phí y tế.
Theo số liệu được chính phủ Hàn Quốc công bố vào năm 2021, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc ở mức 0,84 vào năm 2020. Con số này đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc dưới 1%. Đáng nói, vào thời kỳ đỉnh điểm là năm 1960, Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh ở mức 6.
Hàn Quốc đang nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới. Với những khoản nợ lớn cùng việc không thể mua nhà riêng, nhiều người trẻ Hàn Quốc không dám tính tới chuyện kết hôn và sinh con.
Theo báo cáo hồi tháng 7/2021, tỷ lệ sinh đẻ thấp ở Hàn Quốc đã khiến hàng trăm trường học ở nước này phải dừng hoạt động hoặc bị bỏ hoang.
Dân số Hàn Quốc sụt giảm tự nhiên lần đầu tiên vào năm 2020, do số người chết vượt quá số trẻ chào đời mà nguyên nhân là do tình trạng già hóa dân số và dịch bệnh Covid-19.
Phụ nữ Trung Quốc gặp khó khi tìm mua bình xịt hơi cay phòng thân
Bình xịt hơi cay đang là "hàng hot" được lùng mua sau hàng loạt vụ tấn công dã man, nhưng phụ nữ Trung Quốc lại gặp khó khi tìm mua.
Cơ hội xin việc đầy mong manh của người từng mắc Covid-19 ở Trung Quốc
Với những người từng mắc Covid-19 ở Trung Quốc, cơ hội xin việc làm hiện vô cùng mong manh do họ bị phân biệt đối xử và kỳ thị.
Minh Thu (lược dịch)