Tàu chiến Nga đuổi theo chiến hạm Mỹ khi đang tập trận với hải quân Trung Quốc
Nga cáo buộc khu trục hạm Mỹ cố tình xâm nhập vùng biển cấm, giữa lúc hải quân Nga - Trung đang tiến hành tập trận chung.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, một trong những chiến hạm của nước này đã ngăn cản tàu khu trục Mỹ được cho cố tình xâm nhập vào vùng biển quốc tế của Nga trên biển Nhật Bản hôm 15/10.
Vài giờ sau, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đã bác bỏ tuyên bố từ phía Nga và cho hay hoạt động tương tác giữa tàu chiến Nga – Mỹ là “an toàn và chuyên nghiệp”.
Theo AP, sự việc xảy ra giữa lúc hải quân Nga và Trung Quốc đang tiến hành tập trận chung trên biển Nhật Bản. Trước đây, các tàu chiến Nga – Mỹ cũng từng nhiều lần có hành động di chuyển gần nhau ở khoảng cách nguy hiểm.
Trong tuyên bố Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, tàu khu trục Đô đốc Tributs của hải quân Nga đã áp sát khu trục hạm USS Chafee của hải quân Mỹ để xua đuổi khi tàu chiến Mỹ xuất hiện gần vùng biển của Nga. Trước đó, vùng biển này đã được thông báo giới hạn hoạt động qua lại của tàu thuyền, do hải quân Nga – Trung Quốc tiến hành bắn đại bác trong giai đoạn tập trận.
Do đó, tàu chiến Nga đã di chuyển lại gần chiến hạm Mỹ sau khi tàu USS Chafee cố tình phớt lờ lời cảnh báo được phía Nga phát đi phát lại nhiều lần với yêu cầu rời khỏi vùng biển thuộc vịnh Peter the Great.
Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc, sau khi “cố tình vượt qua biên giới trên biển của Nga”, tàu chiến Mỹ đã thay đổi lộ trình khi 2 con tàu chỉ còn cách nhau 60 m và tăng tốc di chuyển.
Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ lại nói rằng tàu khu trục USS Chafee đang thực hiện sứ mệnh thường kỳ trên vùng biển quốc tế, thì khu trục hạm Đô đốc Tributs của Nga xuất hiện chỉ cách khoảng 60 km giữa lúc máy bay trên tàu USS Chafee chuẩn bị cất cánh.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương nhấn mạnh thêm hôm 14/10, Nga đã phát thông báo cảnh báo tránh xa khu vực tập trận. Nhưng thông báo này không còn hiệu lực vào thời điểm hai tàu Nga – Mỹ đối mặt nhau.
“Vào mọi thời điểm, tàu USS Chafee đều tiến hành sứ mệnh tuân theo luật pháp và quy định quốc tế”, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương cho hay.
Song phía Nga đã khẳng định hoạt động của tàu khu trục Mỹ là “sự vi phạm trắng trợn” các quy định quốc tế về việc tránh va chạm giữa các tàu cũng như hiệp ước năm 1972 giữa Moscow và Washington để ngăn chặn những tai nạn trên không và trên biển. Do dó, Nga đã cho triệu tập tùy viên quân sự Mỹ tới để phản đối sau khi nhận định thủy thủ Mỹ đã có “hành động thiếu chuyên nghiệp”.
Nga, Mỹ và các quốc gia đồng minh của Washington trong khối quân sự NATO thường xuyên cáo buộc nhau có hành động khiêu khích và nguy hiểm trên biển và trên không. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vẫn vô cùng căng thẳng, sau khi Moscow tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, và Nga bị cáo buộc can thiệp vào các cuộc bầu cử hay tấn công mạng.
Gần đây nhất, hồi tháng Sáu, Nga cho hay một trong những tàu chiến của nước này đã bắn cảnh cáo và cho chiến đấu cơ thả bom xuống cung đường di chuyển của tàu khu trục HMS Defender nhằm xua đuổi tàu chiến hải quân Anh tránh xa các vùng biển ở Biển Đen gần với thành phố Sevastopol của bán đảo Crimea. Phía Anh phủ nhận tuyên bố của Nga và nhấn mạnh tàu chiến Anh đã không bắn trả và họ chỉ đang hoạt động trong vùng biển của Ukraine.
Cho tới nay, Anh vẫn là một trong số nhiều nước công nhận bán đảo Crimea thuộc Ukraine, bất chấp Nga đã sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ liên bang từ năm 2014.
Trong năm 2020, quân đội Nga tuyên bố tàu khu trục HMS Dragon của hải quân Anh đã xâm phạm vùng biển Nga gần bán đảo Crimea hồi tháng 10. Ngoài ra, khu trục hạm USS John S. McCain của hải quân Mỹ cũng bị nghi ngờ đã đi vào vùng biên giới trên biển của Nga ở vịnh Peter the Great thuộc biển Nhật Bản vào tháng 11 cùng năm.
Trung Quốc lo ngại gì trước sức mạnh ngày càng ‘đáng sợ’ của Hải quân Mỹ?
Hải quân Mỹ gần đây đã tiến hành một loạt các hành động tăng cường khả năng chiến đấu thực chiến, điều này làm Trung Quốc lo lắng.
Minh Thu (lược dịch)